Menu Close

Phụ lục Nghe_Trình độ B1_SBT B1

BÀI 1: THĂM HỎI

Bài 1:

Trên đường phố, Hà và Uyên tình cờ gặp nhau.

Hà: Uyên đúng không?

Uyên: Ừ, Hà đấy à? Ôi trời, lâu lắm rồi mới gặp lại cậu.

Hà: Đúng đấy! Dạo này công việc của cậu thế nào?

Uyên: Tớ vẫn đang làm ở FPT. Cho đến bây giờ cũng làm ở đó được ba năm rồi. Còn cậu thì sao?

Hà: Tớ mới chuyển sang công ty xuất nhập khẩu. Công việc vất vả hơn nhưng lương và chế độ khá hơn nên cũng được.

Uyên: Ừ, cố gắng nhé. Thế chuyện học hành của cậu có gì mới không?

Hà: Ôi, tớ vẫn thế. Tớ vẫn đang vừa làm vừa học cao học. Bận quá nên chẳng còn thời gian nghĩ đến chuyện viết luận văn. Cậu thì sao?

Uyên: Thế à? Tớ thì định tháng ba thi chứng chỉ nghiệp vụ kế toán.

Hà: (cười) Uyên vẫn chăm học như ngày nào nhỉ. Giờ rảnh không? Bọn mình đi cafe đi.

Uyên: Ừ, cũng được. Vào Highland bên kia đường nhé.

Hà: Được. Đi thôi.

Bài 3:

Tuấn: Alo! Giám đốc gọi em ạ!

Sếp: Ừ! Dạo này bên đại lý công việc ổn thoả cả chứ ?

Tuấn: Dạ, cũng không khả quan lắm do đợt dịch vừa rồi. Giá như không có đợt dịch này thì doanh thu sẽ vượt cao hơn.

Sếp: Thôi, Chắc là cậu đã vất vả lắm trong thời gian qua rồi!

Tuấn: Em và các đồng nghiệp cũng cố gắng hết sức rồi ạ, thưa sếp!

Sếp: Nếu tình hình diễn biến tốt lên, tôi có thể sang Việt Nam công tác được.

Tuấn: Dạ, may quá. Em cũng mong sếp sang sớm

Sếp: Được rồi, chuyển máy cho tôi gặp phó phòng nói chuyện

Tuấn: Sếp giữ máy chờ một lúc ạ.

BÀI 2: CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH

Bài 1:
Nông thôn Thế hệ Thành phố
Trò chuyện Tình hình Đùm bọc
Đắt đỏ Hòa thuận Yêu thương
Bài 2:

A: Chào chị, tôi mới chuyển đến căn hộ E1509, hình như nhà chị cũng ở tầng này thì phải.

B: Vâng, thế thì chúng ta là hàng xóm rồi. Tôi ở căn E1508. Chị chuyển từ đâu đến đây?

A: Trước đây tôi ở Sóc Sơn.

B: Gia đình tôi cũng mấy lần đi nghỉ trong các homestay ở Sóc Sơn. Đó là vùng ngoại ô rất thanh bình.

A: Đúng rồi chị. Còn đây là nội thành, rất sầm uất và náo nhiệt. Mà đâu cũng có  nhiều toà nhà chọc trời. Tôi cảm thấy chật chội quá. Nói thật là, tôi vẫn chưa thích nghi được.

B: Dần dần chị sẽ quen thôi.

A: Mà chị ơi, tường nhà tôi có mấy vết nứt và bị mốc nên tôi phải sửa nhà.  Nếu ồn quá, mong chị thông cảm.

B: Vâng, tôi hiểu mà. Trước đây nhà tôi cũng phải sửa nhà và dán lại giấy dán tường.

A: Cảm ơn chị nhé. À, khu vực này an ninh thế nào chị?

B: Chị yên tâm, ở đây rất an toàn, không bao giờ xảy ra trộm cắp gì cả. Nếu cần giúp đỡ gì chị có thể nói với tôi, đừng khách sáo.

A: Vâng, cảm ơn chị, chị tốt bụng quá.

Bài 3:

Tôi là người con của vùng biển. Từ nhỏ đã theo ba mẹ mưu sinh trên con thuyền đánh cá nhỏ của gia đình. Mỗi ngày chúng tôi đều dậy sớm từ 4 giờ sáng. Trời chưa bình minh, ba đã ra khơi đánh những mẻ cá lớn và khi nào ba về thì chúng tôi ra đón ba và mang cá ra chợ bán. Tuy lao động vất vả nhưng ngày nào chị em tôi cũng được ăn những món ăn hải sản biển tươi ngon do cha mang về. Toàn bộ số cá bán được, mẹ dành tiền để mua quần áo và cho chị em tôi đến trường. Nếu không sống ở biển, bạn không thể nào tưởng tượng được giá trị lao động của những người đánh cá. Cuộc sống của chúng tôi luôn phụ thuộc vào những mẻ cá đầy của cha.

BÀI 3: THUÊ NHÀ

Bài 1:
Bất động sản Thuê nhà Hợp đồng
Căn hộ Nhà riêng Chung cư
Tiện nghi Nội thất Đặt cọc
Bài 2:

Trước khi sang Việt Nam, em đã tự tìm hiểu về tình hình thuê nhà ở Hà Nội rồi. Việc đầu tiên mà em làm khi đến VN là gặp văn phòng bất động sản. Các công ty luôn có một danh sách các chung cư cho khách hàng lựa chọn. Em chỉ cần nói các nhu cầu của mình thì nhân viên sẽ tìm căn hộ đáp ứng được nhu cầu đó. Đối với em, em chỉ quan tâm nhất đến vị trí và các tiện ích thôi. Em đã nói với nhân viên bất động sản là em muốn ở chung cư ít người nước ngoài và gần nơi học tiếng Việt. Vì em muốn gặp và nói chuyện với nhiều người bản xứ. Sau khi đi xem vài nơi, em đã chọn được một căn hộ khá vừa lòng và làm hợp đồng với chủ nhà luôn. Em phải đặt cọc một tháng tiền nhà và trả tiền nhà ba tháng một lần.

Bài 3:

Hôm nay, gia đình Thỏ chuyển đến nhà mới. Bố mẹ Thỏ đã chuyển được nhiều đồ đạc đi rồi, chỉ còn lại một cái bàn, hai cái ghế và cái giỏ khâu của mẹ thôi. Năm anh em Thỏ bàn nhau chuyển nốt chỗ bàn ghế ấy đến nhà mới đỡ cho bố mẹ. Anh Thỏ Khoang lớn nhất đứng ra phân công cho các em tùy theo sức của mỗi người. Thỏ khoang nói:

– Cái bàn sẽ do anh và Thỏ Xám khiêng. Còn 2 chiếc ghế sẽ do Thỏ Đen và Thỏ Nâu. Còn Thỏ Trắng nhỏ nhất sẽ giúp mẹ mang cái giỏ và bế theo búp bê.

Sau khi được phân công, năm anh em bắt tay vào công việc quên hết cả mệt mỏi. Đang đi đến nửa đường thì trời bỗng đổ cơn mưa. Năm anh em nhà thỏ phải để bàn ghế và nghỉ lại dưới gốc cây. Trời mưa một lúc một to, năm anh em sợ bố mẹ lo vì muộn rồi chưa về đến nhà. Năm anh em nhà thỏ bàn nhau cứ đi tiếp nhưng lại sợ bị ướt hết về nhà ốm thì sao? Lúc này, thỏ trắng nêu ý kiến và được các anh đồng tình ủng hộ.

– Em có ý kiến thế này. Bây giờ các anh xếp ghế lên mặt bàn, cả năm anh em mình sẽ núp ở dưới. Các anh mỗi người một chân khiêng bàn còn em ở giữa xách giỏ và bế theo búp bê.

Thế là anh em nhà thỏ về đến nhà mà không hề bị ướt. Bố mẹ thỏ thấy vậy chạy đến giúp các con một tay, khen các con vừa ngoan vừa giỏi.

BÀI 4: VIẾT THƯ

Bài 1:
Tem Thư tay Thư điện tử
Phong bì Mẫu thư ứng viên
Thư xin việc Thị trường Kính thư
Bài 2:

New York, ngày 11 tháng 12 năm 2020

Ông kính yêu,

Đã rất lâu rồi cháu không được về thăm ông bà ở quê cháu rất nhớ gia đình và lo cho sức khoẻ của ông bà. Mặc dù ở nước ngoài, cháu đã quen với cuộc sống mới nhưng đôi khi cô đơn đến mức chỉ muốn bay về Việt Nam ngay và nằm trong lòng ông bà. Từ nhỏ, ông đã dạy cháu về việc sống tự lập, cháu đã rất cố gắng để không gặp vấn đề gì cả nhưng đối mặt với cô đơn, cháu càng thêm hiểu về tình thân và giá trị của gia đình. Cháu nghe nói gần đây thời tiết ở Việt Nam chuyển xấu đi nhiều. Cháu lo cho sức khoẻ của ông bà và vụ mùa ở quê. Cháu chỉ mong sớm được về nhà phụ giúp ông bà gặt lúa vào hè này.

Ở bên Mỹ, cháu đang viết thư thư xin học bổng cho học kỳ sau. Kỳ thi này cháu đã cố gắng học hết mức có thể. Chỉ mong có thể nhận học bổng trang trải được cuộc sống đắt đỏ ở xa xứ. Tết ta cháu đã gửi quà về biếu ông bà và gia đình. Khi nhận được ông bà nhớ thông báo cho cháu nhé. Ông bà giữ gìn sức khoẻ, cháu gái sẽ về sớm

Cháu gái của ông bà

Linh

Nguyễn Thuỳ Linh

BÀI 5: ÔN TẬP 1

Bài 1:

Lee: Chào anh Kim, tôi nghe nói tuần trước anh bị ốm phải đi bệnh viện, hôm nay tình hình sức khoẻ của anh thế nào rồi?

Kim: Cảm ơn anh, tôi đỡ nhiều rồi.

Lee: Nhưng tôi thấy anh có vẻ vẫn còn mệt.

Kim: Vốn dĩ sức khoẻ của tôi không tốt lắm, mà dạo này không khí Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng nên rất dễ ốm.

Lee: Đúng là dạo này Hà Nội ô nhiễm đến mức không thể thở được. Tuần trước tôi cũng bị viêm họng, đau ơi là đau.

Kim: Thế anh có đi bệnh viện không?

Lee: Đáng lẽ tôi có đi nhưng bận quá nên tôi tự mua thuốc ở hiệu thuốc.

Kim: Anh không nên chủ quan, phải đi gặp bác sĩ để có cách điều trị tốt nhất. Tự uống thuốc rất nguy hiểm. Mà dễ bị tái phát.

Lee: Cảm ơn lời khuyên của anh. Sức khoẻ là vàng. Tôi sẽ chú ý hơn vì sức khỏe là quan trọng nhất mà.

Bài 2:

Nhà khoa học nọ điên đầu vì hai người láng giềng, ông bên trái làm nghề gò thùng tôn, ông bên phải làm nghề chữa máy nổ. Tiếng gõ thùng tôn chí chát và tiếng máy nổ phành phạch suốt ngày khiến nhà khoa học không sao làm việc nổi.

Thế rồi một hôm, ông láng giềng bên trái qua chào nhà khoa học và cho biết ngày mai sẽ dọn nhà đi nơi khác. Nhà khoa học mừng rơn, vì thế là thoát được tiếng gõ thùng. Ông ta càng mừng hơn khi một lát sau, ông láng giềng bên phải cũng sang báo tin sẽ dọn nhà ngày mai. Thế là thoát được cả tiếng máy nổ!   Nhà khoa học định bụng ngày mai sẽ mổ gà ăn mừng trước hai tin vui đặc biệt.   Thế nhưng, sáng hôm sau, vừa thức dậy, ông ta vẫn nghe tiếng gõ thùng chí chát, tiếng máy nổ phành phạch.

Thì ra, hai ông láng giềng chỉ đổi nhà cho nhau!

BÀI 6: ĐÁM CƯỚI

Bài 1: 

Lee: Sắp đến Tết Nguyên Đán rồi, em có kế hoạch đi du lịch không?

Lan: Người Việt Nam thường tranh thủ dịp nghỉ Tết Nguyên Đán để về đoàn tụ với gia đình vì đây là kỳ nghỉ dài nhất trong năm. Em cũng thế. Với lại, em vừa mới đi du lịch vào kì nghỉ lễ Quốc Khánh rồi. Anh thường làm gì vào kì nghỉ lễ?

Lee: Anh cũng tận dụng thời gian này về thăm gia đình, đi du lịch hoặc tụ tập với bạn bè. Còn em thì sao?

Lan: Thực ra, nếu ngày lễ được nghỉ một ngày, em chỉ muốn ngủ nướng thôi.Vì hàng ngày đi làm luôn luôn phải dậy sớm. Hoặc hẹn vài đứa bạn đi uống cà phê, nói chuyện phiếm với nhau.

Lee: Mà ba tuần nữa đến kì nghỉ lễ Giáng sinh rồi. Em rủ mấy người nữa, chúng ta đi cắm trại đi.

Lan: Ở Việt Nam, có được nghỉ ngày lễ Giáng sinh đâu! Mọi người vẫn đi làm bình thường mà.

Lee: Ồ, thế à? Chán thế! Anh thấy đâu cũng trang trí cây thông Noel nên anh tưởng ở Việt Nam có kì nghỉ Giáng sinh giống với Hàn Quốc.

Lan: Giá mà được như thế thì tốt biết mấy!

BÀI 7: CHỢ TRUYỀN THỐNG

Bài 1:

Linh: Chị ơi cho em mua ít thịt.

Chủ quán: Em muốn mua bao nhiêu?

Linh: Cho em 3 cân ạ.

Chủ quán: Em lấy 3 cân thịt lợn nhé. Thịt lợn hôm nay tươi ngon tuyệt vời luôn.

Linh: Thôi chị ơi. Em thích mua thịt bò chứ không mua thịt lợn đâu.

Chủ quán: Ừ được rồi. Em không lấy thì thôi. Có mua thêm rau không?

Linh: Cho em 1 bó rau muống nữa nhé. À, cho em thêm 1 quả dừa nữa để kho thịt.

Chủ quán: Ok. Của em đây. 76.000 tất cả.

Linh: Ơ, không có dừa sẵn à chị? Thế này thì em làm sao mà tự bổ được.

Chủ quán: Thế thì em phải đợi một lát mới có dừa sẵn chứ chưa có ngay đâu.

Linh: Vâng. Em chờ được. Chị cứ bổ giúp em đi ạ.

Bài 2:

Con gái: Mẹ ơi, mẹ nấu món gì mà thơm nức mũi thế? Con đói quá rồi.

Mẹ: Chờ một chút đi, rồi con sẽ biết.

Con gái: Mẹ làm nem rán ạ? Đúng món con thích nhất. Mẹ dạy con làm đi.

Mẹ: Con phải chuẩn bị nguyên liệu như bánh tráng, thịt lợn, hành lá, hành tây, cà rốt, nấm, mộc nhĩ, trứng,… và các loại gia vị: tỏi, ớt, muối, đường, chanh,… Đầu tiên, con phải băm nhỏ thịt sau đó thái các nguyên liệu đã được rửa sạch. Cho tất cả vào một bát lớn, đập thêm 3 quả trứng rồi trộn đều lên, sau đó cuốn nem. Cuối cùng, con nhớ chiên ngập dầu trong chảo.

Con gái: Woa! Phức tạp quá mẹ ạ! Mẹ mua nguyên liệu ở đâu mà tươi thế?

Mẹ: Mẹ mua ở chợ ở đầu phố đấy. Nếu con chịu khó dậy sớm đi chợ thì sẽ chọn được đồ tươi và ngon thôi.

Con gái: Con thấy đi siêu thị tiện hơn. Nhưng làm nem thì nên đi chợ thì mới mua được đủ nguyên liệu nhỉ? Mà sao mẹ hay làm nem thế ạ?

Mẹ: Con biết không, nem rán là món ăn Việt Nam rất nổi tiếng. Không chỉ người Việt Nam mà cả người nước ngoài cũng rất thích hương vị món ăn này. Mẹ vừa làm cho nhà mình ăn vừa thỉnh thoảng gửi tặng cho mấy người bạn Nhật Bản của bố nữa.

Con: Con làm nước chấm chua ngọt rồi, mẹ thử nếm xem có vừa miệng không?

Mẹ: Hơi nhạt! Con cho thêm chút muối và đường nữa đi.

Con: Bây giờ thì ngon tuyệt rồi mẹ ạ.

Mẹ: Khi nấu ăn thì gia vị rất quan trọng. Nó giúp cho món ăn trở nên hài hoà. Đôi khi việc nêm nếm gia vị còn quan trọng hơn cách chế biến con gái ạ.

Con gái: Ôi, chắc là con sẽ không bao giờ nấu ăn ngon được như mẹ.

BÀI 8: THAM QUAN

Bài 1:

Lee: Sang năm, tớ muốn đi du lịch Việt Nam, nhưng tớ không biết thời tiết Việt Nam như thế nào? Tháng mấy thì thời tiết đẹp nhất?

: Thế này nhé, Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Miền Bắc có 4 mùa xuân, hè, thu đông, nhưng miền Nam chỉ có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô.

Lee: Umh. Thì ra là thế.

: Từ tháng 7 đến tháng 10, ở miền Trung thường có bão và lũ lụt. Từ tháng 5 đến tháng 10 là mùa mưa ở miền Nam, nên sẽ có mưa nhiều. Cậu cân nhắc nhé.

Lee: Thế còn miền Bắc thì sao?

: Theo tớ, thì không nên đi du lịch miền Bắc vào tháng 2 vì lúc này miền Bắc thường xuyên mưa phùn, không khí lúc nào cũng ẩm ướt và ảm đạm. Còn mùa hè thì bắt đầu từ tháng 4, nhiệt độ trung bình khoảng 35 độ C. Thậm chí có ngày 40 độ C. Nóng ơi là nóng!

Lee. Ôi trời ơi, thế thì tớ không muốn đến miền Bắc đâu.

: Nhưng mùa thu ở miền Bắc rất đẹp. Đặc biệt là ở Hà Nội. Mùa thu từ tháng 9 đến tháng  11, trời trong xanh, gió mát, không khí trong lành, nhiệt độ khoảng 26-28 độ C.

Lee: Không khí Hà Nội mà trong lành? Tớ nghe nói thời gian vừa rồi không khí Hà Nội luôn ô nhiễm ở mức báo động.

:  Không phải ngày nào cũng thế, chỉ một số ngày chỉ số ô nhiễm không khí tăng cao hơn thôi. Thế cậu có muốn đến Việt Nam nữa không?

Lee: Sao lại không đến? Việt Nam vẫn còn nhiều điều hấp dẫn mà. Tớ đã lập kế hoạch đi tham quan hết các địa điểm nổi tiếng ở Hà Nội rồi. Như là lăng Hồ chủ tịch này, nhà tù Hỏa Lò này, Hoàng thành Thăng Long này.

Hà: Đó đều là các di tích lịch sử đấy.

Lee: Ừ, vì tớ thích tìm hiểu lịch sử Việt Nam mà.

Bài 2:

Minh và các bạn đang bàn bạc kế hoạch đi Côn Đảo 3 ngày 2 đêm.

Trang: Ôi, tớ mong đến cuối tuần để được đi Côn Đảo quá. Biển ở đó đẹp ơi là đẹp.

Minh: Mọi người định chuẩn bị gì đấy? Mang đồ gì cho gọn và nhẹ thôi nhé.

Trang: Theo tớ, mỗi người tự chuẩn bị hành lý cá nhân. Ngoài ra, cần mua thêm đồ ăn vặt và đồ uống. Tớ vừa mới mua nước ngọt rồi nhé.

Tuấn: Đúng đấy. Tớ đồng ý với Trang.

Minh: À, hôm qua tớ đặt vé cho mọi người rồi đấy. Chuyến 9 giờ sáng hết vé nên mình đành phải đi chuyến 1 giờ chiều.

Tuấn: Không sao. So với đi chuyến đêm thì đi buổi chiều là tốt rồi.

Trang: Vậy thì sau khi đến nơi, chúng mình đi thăm quan nhà tù Côn Đảo luôn nhé. Tớ nghe nói đó là di tích lịch sử nổi tiếng. Nếu đến Côn Đảo thì phải đến đó đầu tiên.

Minh: Có phải chỗ đó còn được gọi là “Địa ngục trần gian” không?

Trang: Đúng đấy.

Tuấn: Tớ sẽ viết lịch trình cụ thể rồi gửi cho các cậu luôn nhé.

BÀI 9: CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT Ở NƯỚC NGOÀI

Bài 1:

Tại nhà hữu nghị thành phố Kazan – thủ phủ của nước cộng hòa Tatarstan, Liên bang Nga, cộng đồng người Việt đã tổ chức vui đón tết Kỷ Hợi. Tại đây những người tham dự đã cùng nhau thưởng thức các món ăn truyền thống trong dịp tết cổ truyền và chương trình văn nghệ do bà con người Việt cùng các em nhỏ thế hệ hai người Việt biểu diễn. Nhân dịp này, hội người Việt tại Kazan cũng đã mừng tuổi cho các em nhỏ theo phong tục ngày tết và trao thưởng cho các em đạt thành tích cao trong học tập. Đây cũng là hoạt động đầu tiên kể từ khi xảy ra vụ cháy lớn tại Kazan vào giữa năm 2018. Đến nay bà con đang dần ổn định cuộc sống và các hoạt động kinh doanh. Chương trình đón năm mới cũng là một sự động viên tinh thần rất lớn đối với cộng đồng người Việt ở Kazan.

 

Bài 2:

Phạm Thế Hữu, 17 tuổi, ở Kazan, có một trải nghiệm rất khác về việc học tiếng Việt. Theo đó, Hữu chia sẻ, có lần nghe bạn bè người Czech nói chuyện về ông bà, em bất giác thấy xấu hổ vì không biết tên bà mình là gì. Hữu kể rằng, em sinh ra ở Czech, chỉ mới hai lần gặp bà ngoại, người đang sống ở Nam Định, lần gần đây nhất cách đây 4 năm. Vì lí do không nói được nhiều tiếng Việt, Hữu chưa có cơ hội gần gũi để trò chuyện nhiều với bà và điều đó khiến cậu cảm thấy buồn.

Lí giải về việc không học được nhiều tiếng Việt, chàng trai này cho biết vì chỉ nói với bố mẹ và các anh chị trong gia đình, còn lại chủ yếu nói tiếng Czech khi đi học và giao lưu. Để nói được tiếng Việt và cải thiện vốn từ, Hữu đã cố gắng đọc truyện và xem TV bằng tiếng Việt, nói chuyện với người thân nhiều hơn. Chàng trai này còn mong muốn có một lớp dạy tiếng Việt ở Kazan vì ở đây cũng có nhiều thanh thiếu niên gốc Việt không giỏi ngôn ngữ này.

Được biết, bố mẹ Hữu là chủ một nhà hàng chuyên các món ăn Việt Nam ở Kazan, khu vực có khoảng 100 người Việt trên tổng dân số 18.000 người. Lúc nhỏ cậu cũng thường bị trêu chọc nhưng dần lớn lên mọi chuyện đã khác. Hữu chia sẻ rằng: “Em hài lòng với bản thân, rằng mình là người gốc Việt và em không quan tâm nhiều đến việc bị trêu chọc nữa”. Cậu nhận thấy “chất Việt” rõ nhất trong con người mình là luôn hướng đến gia đình.

BÀI 10: ÔN TẬP 2

Bài 1:

Anh nọ dốt đặc cán mai, thấy các ông già bà cả mang kính xem sách, bắt chước ra chợ hỏi mua một đôi. Vào hiệu, anh ta bảo chủ hiệu đem kính ra cho anh ta chọn.

Anh ta đeo kính vào, lấy cuốn lịch đem theo ra xem, xem xong lại bảo chủ hiệu cho chọn đôi khác. Chủ hiệu chiều ý, chọn cho anh ta năm sáu đôi, nhưng đôi nào anh ta cũng không ưng ý. Chủ hiệu bèn chọn một đôi tốt nhất trong hiệu đưa ra. Anh ta đeo vào, lại lấy cuốn lịch ra xem, vẫn lắc đầu chê xấu. Chủ hiệu lấy làm lạ, liếc thấy anh ta cầm cuốn lịch ngược mà xem, sinh nghi, liền hỏi:
– Sao đôi nào cũng chê xấu cả?

Anh ta đáp:

– Xấu thì bảo xấu chứ sao! Kính tốt thì tôi đã xem chữ được rồi!

Chủ hiệu nói:

– Hay là ông không biết chữ?

Anh ta đáp:

– Biết chữ thì đã không cần mua kính.

Bài 2:

Có một cậu bé được bà sai đi chợ. Bà đưa cho cậu hai đồng và hai cái bát, dặn:

– Cháu mua một đồng tương, một đồng mắm nhé!

Cậu bé vâng dạ, đi ngay. Gần tới chợ, cậu bỗng hớt hải chạy về hỏi bà:

– Bà ơi, bát nào đựng tương, bát nào đựng mắm?

Bà phì cười:

– Bát nào đựng tương, bát nào đựng mắm mà chẳng được.

Cậu bé lại ra đi. Đến chợ, cậu lại ba chân bốn cẳng chạy về, hỏi:

– Nhưng đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương ạ?

BÀI 11: CÔNG VIỆC

Bài 1:

Nam: Anh Ba ơi, ông giám đốc đến chưa vậy ?

Ba (bảo vệ): Chưa. Không biết hôm nay sao ông ấy đến muộn thế. Lẽ ra giờ này ông ấy đã đến rồi chứ.

Nam: May quá. Thế mà tôi cứ tưởng ông ấy đến rồi. Lần trước tôi đi muộn, Giám đốc đã nhắc không được đi muộn rồi.

Ba:      Xe anh lại bị hư nữa hả?

Nam: Không.

Ba:      Vậy tại sao … ?

Nam: Tại tắc đường, không thể đi được. May mà sau đó tôi rẽ vào một ngõ nhỏ, đi thật nhanh đến đây. Suýt nữa thì bị tai nạn rồi.

Ba:      Xe cộ ngày càng nhiều, hầu hết ngày nào cũng tắc đường. Mà cũng tại công ty mình ở xa quá. Đã vậy công việc lại quá nhiều, làm không xuể. Thậm chí chủ nhật nhân viên cũng phải làm thêm.

Nam: Tôi thì chỉ lo không có việc để làm. Dạo này, công việc ngày càng khó.

Ba:      Anh là một kỹ sư giỏi, sao không xem có công ty nào ở nội thành, xin làm ở đó cho tiện?

Nam: Cũng có công ty nhận tôi đấy chứ, thậm chí lương cao hơn ở đây, nhưng tôi thích công việc ở đây nên không muốn chuyển.

Ba:      Ở đây lương thấp mà lại ở quá xa trung tâm thành phố. Tôi khuyên anh nên tìm công ty khác.

Nam: Tôi biết. Nhưng tìm ra một chỗ làm thích hợp không dễ như anh tưởng. Hơn nữa,  tùy ý thích của mỗi người anh ạ. Tôi thà làm công việc lương thấp và thích hợp còn hơn làm việc lương cao mà mình không thích.

Bài 3:

Cô Mai: Duy ơi, em đã nói tốt tiếng Việt rồi mà. Tại sao em vẫn muốn học tiếng Việt nâng cao?

Duy: Vì sau khi học đại học xong, em có ý định về Việt Nam làm việc ạ.

Cô Mai: Ồ thế à? Em muốn làm về lĩnh vực gì?

Duy: Bố em khuyên em làm kinh doanh. Còn em thì thích marketing hơn.

Cô Mai: Hai ngành đó cũng có liên quan đến nhau mà.

Duy: Vâng. Nhưng Việt Nam bây giờ thay đổi nhiều quá. Thậm chí bố em cũng không nắm được tình hình ở nhà bây giờ như thế nào nữa.

Cô Mai: Đúng rồi. Hầu hết các nơi đều phát triển hơn xưa.

BÀI 12: PHỎNG VẤN

Bài 1:

Chuẩn bị cho một cuộc hẹn thành công

Để có một cuộc hẹn ấn tượng và thành công thì bạn nên chuẩn bị kĩ nhiều yếu tố.

Đầu tiên là về trang phục. Bạn nên chọn quần áo phù hợp với tính chất và đối tượng bạn gặp. Nếu đó là cuộc hẹn kinh doanh với đối tác, hãy lựa chọn phong cách chuyên nghiệp và lịch sự, ví dụ như: một bộ vest, quần tây, hoặc áo sơ mi đơn giản. Tuy nhiên nếu bạn có cuộc hẹn với bạn bè thân thiết, thì có lẽ không cần quá lo lắng về trang phục. Hãy chọn một bộ quần áo mà bạn cảm thấy thoải mái nhất.

Thứ hai là sự đúng giờ. Đối với cuộc hẹn, sự đúng giờ là rất quan trọng. Vì nó thể hiện bạn là người có ý thức trách nhiệm đối với công việc. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ hiện nay vẫn giữ thói quen “giờ cao su”, và cho rằng việc trễ hẹn là chuyện rất bình thường. Mặc dù có rất nhiều lý do khách quan có thể khiến bạn đến cuộc hẹn muộn như kẹt xe, hỏng xe, thời tiết xấu,…. Hoặc lý do chủ quan như ngủ dậy muộn, trang điểm lâu,…Nhưng bạn nên có sự chuẩn bị trước để đề phòng các tình huống xấu có thể xảy ra. Thay vì đến muộn, hãy cố gắng đến cuộc hẹn trước ít nhất 15 phút.

Ngoài ra hãy chuẩn bị mọi thứ sẵn cho cuộc hẹn. Khi bắt đầu xuất phát, bạn chỉ việc kiểm tra lại một lần nữa và mang đi. Việc chuẩn bị này sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian, và tránh quên các thứ cần thiết. Điều này cực kì hữu ích, đặc biệt là đối với mấy bạn não cá vàng.

BÀI 13: VIỄN THÔNG

Bài 1:

Vợ: Anh Tiến ơi, anh định đi đâu đấy?

Chồng: Anh định ra ngoài cửa hàng điện tử mua cho bà nội cái điện thoại. Điện thoại bàn dạo này chẳng ai gọi, ông bà báo tổng đài cắt rồi. Còn điện thoại của ông là đời cũ không gọi qua internet được.

Vợ: Thế anh định mua màn hình trượt cho bà à? Có sợ khó dùng không?

Chồng: Ừ. Khó lúc đầu thôi. Dạo này Vinsmart đang có nhiều chương trình khuyến mại lắm. Anh phải ra Điện máy xanh xem thử xem. Em có định thay điện thoại không?

Vợ: Anh chọn loại nào cho cẩn thận chứ vừa mua lại hỏng thì chỉ phí tiền. Điện thoại của em bị vỡ màn hình thôi, chắc đi thay màn hình không sao.

Chồng: Tiền thay màn hình giờ gần bằng tiền mua máy mới, em mua cái mới chụp ảnh cho đẹp, gọi zalo, message cũng đỡ chập chờn.

Vợ: Thế anh mua cho em Samsung hay Iphone đi. Ở công ty em, mỗi chị có một cái Iphone rồi.

Chồng: Anh có làm ở ngân hàng đâu, làm gì có máy in tiền. Em mua loại vừa tiền, hỏng lại thay mới, không thích hơn à?

Vợ: Em nghĩ tiền bao nhiêu, chức năng bấy nhiêu chứ.

Chồng: Bây giờ điện thoại nào cũng có nhiều chức năng. Để anh mua cho bà trước, nếu bà dùng ổn thì anh mua cho em một cái của Vinsmart nhé.

Vợ: Vâng, em cũng chỉ cần nghe, gọi, chụp ảnh, vào zalo, facebook, lướt web đọc báo như mọi khi thôi. Có thêm vài ứng dụng mua sắm nữa.

Bài 3:

Lan: Trời ơi, em làm gì mà lâu thế? Thế nào cũng muộn cho mà xem.

Mai: Chị chờ em 10 phút nữa để điện thoại đầy pin đã.

Lan: Em đổi điện thoại khác đi, chị nghe nói bây giờ điện thoại có nhiều tính năng mới đặc biệt là sạc nhanh, chỉ 10 phút là đầy pin rồi.

Mai: Em biết, nhưng mà chạy theo công nghệ thì tốn tiền lắm, hơn nữa điện thoại em vẫn còn tốt mà.

Lan: Điện thoại này mà tốt! Dù sao nó cũng lỗi thời lắm rồi!

Mai: Đa số mọi người thường thích thương hiệu lớn. Em thì chỉ cần         tính năng cơ bản thôi.

Lan: Chị thấy điện thoại Trung Quốc mẫu mã cũng đẹp, hơn nữa lại nhiều tính năng giống với Samsung, Apple. Giá tương đối rẻ. Em thử mua xem.

Mai: Tiền nào của ấy chị ạ.

BÀI 14: DỊCH VỤ

Bài 1:

Hoa: Tớ mới biết một cửa hàng bán đồ điện tử, chất lượng không thể chê vào đâu được. Nay cậu có thời gian không? Chúng ta đi xem đi.

Mai: Sao lại không có?

Hoa: Thế thì chúng ta đi thôi.

Khi vào cửa hàng

Mai: Cửa hàng này nhìn sang trọng quá.  Hàng hoá có vẻ rất đắt.

Hoa: Không đắt lắm đâu. Hơn nữa nhân viên phục vụ rất chuyên nghiệp và chu đáo.

Mai: Khách hàng là thượng đế mà.

Hoa: Cậu thấy cái điện thoại này thế nào? Nhân viên nói đây là mẫu đang bán chạy, sắp cháy hàng rồi.

Mai: Trông khá đẹp đấy.

Hoa: Bây giờ thương mại điện tử phát triển, có thể dễ dàng mua trực tuyến. Nhưng tớ nghĩ vẫn nên đi mua trực tiếp thế này tốt hơn. Mấy lần tớ mua online, hàng hoá chất lượng kém, tớ gọi điện cho cửa hàng để phàn nàn nhưng không được hoàn tiền, làm tớ bực mình.

Mai: Tớ cũng rút kinh nghiệm rồi. Không mua online nhiều nữa.

Bài 2:

Gia đình tôi có năm người: bố, mẹ, anh trai, tôi và em gái. Bố tôi là bác sĩ trong quân đội. Hàng ngày, bố tôi thường phải đi sớm về khuya, thậm chí phải trực cả đêm trong bệnh viện. Mặc dù vất vả nhưng tôi thấy bố rất nghiêm túc và trách nhiệm với công việc. Mẹ tôi là giáo viên ở trường Trung học phổ thông gần nhà. Mẹ tôi nói thích nghề giáo từ nhỏ nên cả đời gắn bó với phấn trắng, bảng đen và rất nhiều thế hệ học trò. Hầu hết các học sinh của mẹ tôi sau khi ra trường hàng năm đều đến thăm mẹ tôi nên mẹ tôi rất vui. Mẹ bảo với tôi là làm giáo viên thì không giàu nhưng có thể giúp ích cho xã hội. Anh trai tôi là kĩ sư xây dựng. Anh làm thiết kế cho một công ty bất động sản của Hàn Quốc nên khá bận. Ngày nào tôi cũng thấy anh làm việc trên máy tính. Có lúc anh làm việc ở văn phòng nhưng có lúc phải đến tận nơi công trình thi công. Tôi là sinh viên năm thứ hai ở Học viện Ngân hàng. Sau khi ra trường, tôi muốn làm việc ở một ngân hàng uy tín. Còn em gái tôi là học sinh cấp III. Sắp tới em ấy sẽ chuẩn bị thi đại học nên mọi người trong gia đình đều muốn định hướng cho em ấy.

BÀI 15: ÔN TẬP 3

Bài 1:

Bạn có biết, sau một thời gian sử dụng máy lạnh cần phải vệ sinh định kỳ? Hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu 6 bước vệ sinh máy lạnh chi tiết, đầy đủ nhất nhé!

Bước 1: Kiểm tra máy lạnh có hoạt động bình thường hay không?

Trước khi vệ sinh, bạn cần phải kiểm tra máy lạnh có hoạt động bình thường không và kiểm tra khả năng làm lạnh. Dùng remote điều khiển cánh quạt tản gió xem có hoạt động bình thường không. Nếu mọi thứ đều ổn thì hãy chuyển sang bước tiếp theo.

Bước 2: Tháo lắp dàn lạnh

Để tháo lắp dàn lạnh, đầu tiên bạn cần phải tháo quạt đảo gió bằng cách tháo chốt giữ quạt. Tiếp theo bật nắp trước máy lạnh theo chiều lên trên. Sau đó tháo tấm lọc bụi ra khỏi thân máy. Dùng tua vít 4 cạnh để tháo ốc cố định vỏ máy trên dàn lạnh.

Bước 3: Xịt rửa, vệ sinh bộ lọc không khí đã tháo ra trước đó.

Bước 3: Vệ sinh dàn nóng

Việc vệ sinh dàn nóng có phần đơn giản hơn so với dàn lạnh. Đầu tiên bạn cần tháo vỏ bảo vệ mặt trước bằng cách nạy các ngàm giữ. Xịt rửa cánh quạt, các góc cạnh chứa bụi bên ở bên trong cục nóng.

Bước 5: Dùng khăn khô lau lại toàn bộ thân máy để loại bỏ nước bám trên bề mặt.

Bước 4: Vệ sinh tổng thể toàn bộ cục nóng, cục lạnh (dùng khăn sạch lau lại).

Trên đây là bước vệ sinh máy lạnh chi tiết, hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong việc vệ sinh máy lạnh. Chúc bạn thành công!

 

Bài 2:

Nếu sử dụng một chiếc smartphone, chắc chắn bạn đã từng có cảm giác cứ rảnh là muốn kiểm tra xem có tin tức hoặc thông báo gì mới không. Đó có thể là vì muốn xem bạn bè vừa đăng gì lên mạng xã hội, hoặc đơn giản chỉ là để cập nhật một chút tin giật gân của ngày hôm nay…

Vậy đó có phải là dấu hiệu của nghiện smartphone? Không. Thực ra, đó là một phần ảnh hưởng của các ứng dụng. Ví dụ như facebook. Nó luôn xuất hiện ở cả những ứng dụng khác khi liên kết với họ để đăng nhập.Thay vì phải xác nhận để tạo tài khoản mới đăng nhập các ứng dụng khác, bạn chỉ cần chấp nhận điều khoản để dùng Facebook đăng nhập luôn. Đó là lý do tại sao Facebook luôn nằm trong top 5 ứng dụng miễn phí nổi tiếng nhất App Store, và là ứng dụng được dùng nhiều nhất tại Mỹ.

Hơn nữa trong những năm gần đây, Facebook tập trung đầu tư vào những tính năng dành cho các dịp “nhắc nhở” người dùng về các kỷ niệm quan trọng trong cuộc đời họ mà từng được đăng tải lên Facebook. Những bài đăng, ảnh/video, những lần kết bạn mới đều được thống kê lại để một ngày nào đó, bạn sẽ thấy một video hay lời nhắn tự động từ Facebook, nói về khoảng thời gian trước kia ra sao, những người bạn đặc biệt đã kết bạn với mình lâu thế nào, nó giống như một món quà bất ngờ mà facebook tặng cho người dùng. Và đây cũng là điều hấp dẫn của ứng dụng FB. Thậm chí chỉ cần bạn bình luận hay theo dõi hoặc chia sẻ một thông tin gì đó thì ngay lập tức Facebook sẽ hiểu được nhu cầu của bạn. Sau đó tự động giới thiệu cho bạn các trang liên quan. Đó là lí do mà quảng cáo trên fb ngày càng phát triển, đặc biệt đối với những người đang kinh doanh online. Tùy từng gói, với các mức phí khác nhau mà bạn sẽ được FB giúp tiếp cận với những nhóm khách hàng tiềm năng. Dĩ nhiên FB cũng giống như con dao hai lưỡi, với đầy ưu điểm và nhược điểm. Quan trọng nhất vẫn là cách chúng ta sử dụng và khai thác FB thể nào để đạt được  hiệu quả cho các mục tiêu của mình.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *