Menu Close

Phụ lục Nghe_Trình độ B2_SBT B2

BÀI 1: KHÁCH KHỨA

Bài 1:

Phong tục tiếp khách của người Tày

Đồng bào Tày có một phong tục khác với mọi nơi là khách lạ vào bản chưa kịp chào thì người trong bản đã chào trước. Trẻ con không bám, đuổi theo khách, nếu có tò mò thì chỉ đứng khuất từ xa mà nhìn theo.

Khách vừa đặt chân đến dưới sàn đã được người trong nhà đem rượu ra mời; khách bước lên sàn chủ nhà đã đặt sẵn vò rượu ngâm cao xương thú rừng hoặc pha mật ong rừng ngọt lịm mời, đồng thời trong bếp đã đặt chiếc siêu bằng đồng nhỏ xíu để đun chè (không pha chè bằng ấm). Chè đặc đến nỗi nước trong siêu chỉ vừa đủ ngập chè. Trong khi đó, người trong nhà lặng lẽ chuẩn bị bữa cơm, họ bắt gà khéo đến nỗi khách ngồi trên nhà không hay biết gì. Đồng bào có món gì là đặc sản đều đem ra đãi khách như: món cá ướp chua nấu với măng bào, tôm tươi xào, trứng vịt rán, luộc, còn cơm thì nấu bằng “khẩu lùm phua” (một thứ gạo nếp thơm ngon). Nếu sắp đến bữa cơm mà để khách ra về thì chủ nhà sẽ bị dân bản cười chê là người keo kiệt. Chủ nhà còn mời thêm vài cụ già trong bản đến cùng dự bữa cơm cho thêm phần long trọng.

Mâm cơm được bày trước bàn thờ là nơi trang trọng nhất trong nhà. Khách được mời ngồi cùng với các cụ già quay lưng vào bàn thờ. Trong mâm cơm bao giờ cũng có một bát ớt chỉ thiên chín đỏ giã nhuyễn. Bát ớt này không chỉ là gia vị mà còn có ý thông báo ngầm cho khách biết “không sợ thuốc độc vì đã có bát ớt cay giải độc rồi”. Chủ nhà còn dùng đũa nhúng khắp lượt các bát thức ăn cho vào miệng. Làm như vậy chủ nhà có ý báo cho khách biết một lần nữa là “thức ăn tuyệt đối an toàn, nếu có thuốc độc thì chủ nhà sẽ chết trước”. Bát cơm của khách luôn luôn đầy ắp thức ăn. Đến nửa chừng bữa cơm chủ nhà mới gọi con cháu ra chào khách và mời rượu. Khi ăn xong, dù khách đã đi dạo quanh nhà, họ cũng phải cầm chiếc tăm đi tìm khách xin phép rồi mới xỉa răng. Khách đến nhà có ăn uống no say thì chủ nhà mới được dân bản khen.

 

BÀI 2: TÍNH CÁCH NGƯỜI VIỆT NAM

Bài 1:

Có một điều mà em chưa thích ở người Việt đó là hành động chen ngang. Khi đi thăm lăng Bác, hay khi xếp hàng ở sân bay thì em gặp rất nhiều người chen ngang để được đến lượt làm nhanh hơn. Khi em bị người khác chen lên trước, lúc đầu thì cảm thấy rất bực mình nhưng sau đó quen hơn, em cần nhập gia tuỳ tục nên bây giờ cảm thấy bình thường. HQ trước đây cũng có trường hợp như thế nhưng ý thức, thái độ của con người thì ngày càng tiến bộ. Còn ở VN thì điều này vẫn chưa được cải thiện nhiều. Hi vọng là sau một thời gian nữa, khi em quay lại VN thì tình hình này sẽ thay đổi. Em tin là mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ sẽ được giáo dục và nâng cao về ý thức hơn bây giờ.

Bài 2: Thảo

BÀI 3: DẠY VÀ HỌC TIẾNG VIỆT

Bài 1:

Phóng viên: Chào em, em có thể cho chị biết điều gì là quan trọng nhất để thích nghi với cuộc sống ở Việt Nam không?

John: Em nghĩ rằng muốn hoà nhập và thích nghi với cuộc sống ở một quốc gia mới thì ngôn ngữ là quan trọng nhất. Ở Việt Nam, rất ít người có thể nói tiếng Anh, nếu muốn tìm hiểu về Việt Nam thì nhất định em phải biết tiếng Việt. Biết tiếng Việt, em có thể giao tiếp với các nhân viên Việt Nam trong công việc và trong cuộc sống. Hay khi đi ăn uống, mua sắm, em có thể nói yêu cầu của mình với người phục vụ. Tiếng Việt cũng giúp em giải quyết một số rắc rối trong cuộc sống như khi bị ốm, khi đồ dùng bị hỏng,… Đặc biệt là khi đi du lịch, em có thể nói chuyện với người dân địa phương để tìm hiểu cuộc sống, văn hoá ở đó.

Phóng viên: Em có một kỷ niệm đặc biệt nào trong quá trình học tiếng Việt không? Em hãy chia sẻ cho mọi người nhé.

John: Vâng, em có nhiều kỉ niệm về nói tiếng Việt vì em thường xuyên phát âm sai khiến người Việt Nam không hiểu. Khi đó họ đều cười khiến em cảm thấy rất ngại. Nhưng kỉ niệm mà em nhớ nhất là khi đi du lịch miền Trung. Khi em gọi xe taxi, người lái xe hỏi “Anh đi đâu”? Người miền Trung phát âm rất khác người miền Bắc, em nghĩ là anh ấy hỏi em “ăn đi đâu” em đã rất lúng túng vì tại sao lại nói “ăn” với “đi đâu”? em trả lời là “Em ăn rồi”. Anh ấy đã cho là em không biết tiếng Việt. Hai người nói qua nói lại rất lâu mới có thể hiểu nhau. Bây giờ mỗi khi nhớ lại kỉ niệm đó em đều rất buồn cười.

Phóng viên: Theo em, việc khó nhất với em khi học tiếng Việt là gì?

John: Tiếng Việt có sáu thanh điệu là thanh không, thanh huyền, thanh sắc, thanh hỏi, thanh ngã và thanh nặng. Những ngôn ngữ mà em đã học thì không có sự phân biệt này. Khó nhất với em có lẽ là thanh ngã. Khi mới học tiếng Việt em luôn nói dấu ngã thành dấu sắc. Đặc biệt là với những từ mà có âm “ng” kết hợp với dấu ngã. Khó ơi là khó! Khi phát âm những từ như “ngưỡng mộ”, “nghĩ ngợi” thì em rất khó kiểm soát miệng của mình. Để khắc phục vấn đề này, em đã chăm chỉ luyện tập phát âm và nói chuyện nhiều hơn với người Việt Nam.

Phóng viên: Bây giờ thì tiếng Việt của em đã rất thành thạo rồi. Cảm ơn em đã tham gia buổi phỏng vấn nhanh này. Chúc em có những trải nghiệm tuyệt vời khi ở Việt Nam nhé.

 

Bài 2:

Chuyện: Bất đồng ngôn ngữ

Anh Minh và chị Mai là hai Việt kiều tại Pháp. Anh chị có 2 con, con thứ nhất sang Pháp khi nhỏ nên đến trường nói tiếng Pháp còn về nhà nói tiếng Việt với bố mẹ. Tuy nhiên, con trai cả chỉ nói được chứ không viết thành  thạo được. Nếu phải viết thư cho ông bà ở Việt Nam, con trai cả thường viết sai từ hoặc sai dấu.

Con thứ hai của anh chị sinh ra và lớn lên ở Pháp nên hàng ngày chỉ tiếp xúc với toàn người Pháp vì thế nói tiếng Pháp thành thạo, hòa nhập tốt vào cuộc sống nơi sở tại nhưng không nói được nhiều tiếng Việt.

Đây cũng chính là lý do khiến cho gia đình anh chị đau đầu, bởi chị Mai dù sống ở Pháp đã lâu nhưng không nói được tiếng Pháp, tiếng Việt vẫn là ngôn ngữ chính được chị sử dụng. Chị và con trai út rất khó khăn khi giao tiếp với nhau. Chị Mai không hiểu nhiều từ con trai nói còn con trai cũng cảm thấy không vui khi cố gắng giải thích cho mẹ bằng tay chân. Vì bất đồng ngôn ngữ mà quan hệ mẹ – con ngày càng xa cách.

 

BÀI 4: GIẢI TRÍ

Bài 1:

Lan: Tháng sau có buổi biểu diễn của BTS, cậu đã mua được vé chưa?

Mai: Tất nhiên! Chỉ nghĩ đến chuyện sắp được gặp thần tượng là tớ vô cùng sung sướng .

Lan: Cậu đúng là fan cuồng mà.

Mai: Ai lại giống cậu? Người trẻ mà thích nhạc cổ điển.

Lan: Kệ tớ, tớ không thích sôi động, ồn ào. Nghe những ca khúc trữ tình với giai điệu du dương tớ cảm thấy được thư giãn và quên hết mệt mỏi.

Mai: Cậu cứ như bà già ấy. Xu hướng bây giờ là nhạc trẻ, nhạc điện tử.

Lan: Cậu quá đáng quá! Tớ có già đâu. Chỉ là sở thích khác nhau thôi.

Mai: Lần này cậu tham gia buổi biểu diễn với tớ đi. Sân khấu rất hoành tráng, với ánh sáng nhiều màu sắc, âm thanh sôi động, lôi cuốn…. Thế nào cậu cũng thích mê cho mà xem.

Lan: Tờ thà ở nhà còn hơn bỏ tiền mua vé. Đắt ơi là đắt!

Bài 2:

 

BÀI 6: LÀNG QUÊ VIỆT NAM

Bài 1:

Bài 2:

LÀNG NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Các làng nghề truyền thống ở Việt Nam là nguồn tài nguyên tiềm năng để phát triển du lịch, do làng nghề truyền thống chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, giúp tăng trưởng cho ngành du lịch, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm, địa điểm du lịch. Trong thời gian tới, các địa phương sẽ tập trung vào việc xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng sản phẩm làng nghề, đồng thời đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và các dịch vụ phục vụ du khách, đào tạo kỹ năng làm du lịch cho người dân làng nghề, chú trọng gắn kết giữa làng nghề và các công ty du lịch để quảng bá du lịch. Đặc biệt, để phát triển du lịch làng nghề bền vững, các địa phương cũng sẽ phải quan tâm đến vấn đề môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất và sinh hoạt.

BÀI 7: PHỞ HÀ NỘI

Bài 1:

Sau khi thông tin khai trương tiệm phở Thìn Lò Đúc được đăng trên Facebook, nhiều người dân tại Melbourne, đặc biệt là cộng đồng người Việt đã thích thú và nhanh chóng tìm đến để thưởng thức. Trong ngày ra mắt hôm 6.9, đích thân ông Thìn vào bếp nấu phở cho thực khách.

Ông Thìn chia sẻ về quyết định đưa món phở ra nước ngoài: “Văn hoá phở Việt và phở Hà Nội nói riêng thì mình phải theo và giữ gìn nó”.

Nói về lý do chọn Úc, ông Thìn nhấn mạnh: “Tôi chọn nước Úc là điểm đến thứ hai bởi cũng như Nhật thì Úc là một thị trường khó tính vì thế tôi muốn thử thách mình ở trạng thái khó tính nhất”.

Ông nói: “Chính trong sự đa văn hoá tại thành phố Melbourne này mà cái thuần văn hoá khác đi và vì chính trong cái khác thì người ta lại tìm tới văn hoá Việt”.

Ông Thìn khẳng định hương vị phở được giữ nguyên bản như phiên bản gốc ở Hà Nội. Theo ông, khó khăn lớn nhất là các nguyên liệu của phở mà ở Úc không có.

Ông chia sẻ trong tương lai không xa ông mong đưa được món phở này sang Châu Âu cụ thể là nước Pháp.

Bài 2:

Năm ấy ở độ tuổi đã ngoài 70, ông phở Hùng hãy còn mạnh khoẻ, tinh tường. Tóc bạc trắng, nước da đỏ au, giọng nói sang sảng. Cứ nom đôi bàn tay thái thịt thoăn thoắt, mềm mại và còn rất linh hoạt của ông, nhiều người không nghĩ ông đã ở tuổi đại lão niên. Miếng thịt to bản mà mỏng tang, sợi gừng nhỏ tắp, mềm như sợi tơ. Thái thịt mỏng là một yêu cầu nhất thiết của nghề bán phở, không phải để tiết kiệm thịt. Mà trước nhất là để khi chan nước dùng, miếng thịt mỏng mới có thể ngấm độ nóng và hơi nước dùng mà dậy lên hương vị thơm ngon. Thực khách vừa chạm lưỡi là đã có thể thưởng thức toàn diện bằng cả ngũ giác.

Linh hồn của phở Hà Nội vẫn chính là nồi nước dùng với hương vị đặc biệt của nó. Theo ông phở Hùng, muốn có được nồi nước dùng ngon, xương bò phải tươi, chắc, đem về ngâm rửa cho sạch, luộc bỏ qua một nước, rồi cho vào ninh kỹ qua đêm. Khi ninh phải mở vung và giữ đều lửa. Cứ hễ đậy vung là nước dùng đục và nồng. Hớt bọt sạch sẽ, cho hương liệu vừa phải. Và nhất thiết phải tra nước mắm ngon. Không có nước mắm ngon thì dẫu có cho bao nhiêu gia vị, mì chính cũng bằng không. Nước phở phải nóng sôi, sôi “réo lá đề”. Để cứ mỗi khi chan muôi nước dùng lên, lát thịt bò tái phủ trên mặt bát, sẽ lập tức chuyển màu chín tới vì sức nóng trăm độ. Trông thì đẹp mắt, mà ăn thì mềm mại và ngọt sắc.

BÀI 8: SÀI GÒN – THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Bài 1:

Danh xưng “Hòn ngọc Viễn Đông” (La perle de l’Extrême Orient) xuất hiện để chỉ cho Sài Gòn. Đây được xem là thủ phủ của Đông Dương về kinh tế, giải trí để cạnh tranh với Singapore của người Anh.

Sự cạnh tranh của Anh, Pháp trong việc “khai hóa” các nước thuộc địa. Từ những năm 1895, Pháp tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng ở thuộc địa nhằm phát triển kinh tế. Họ đặt tham vọng vượt mặt nước Anh tại Singapore và HongKong.

Giai đoạn này, Sài Gòn từ thành phố hoang vu, được gọi là thị trấn giữa rừng (Prei Nokor) đã được người Pháp đầu tư xây dựng bài bản nhất so với các thành phố khác trong khu vực.

Nếu so sánh về hạ tầng cơ sở, cùng thời, Sài Gòn bỏ xa Bangkok và Singapore. Nhưng lúc bấy giờ, Singapore có tầm quan trọng lớn về chiến lược khi nằm trên tuyến đường biển quốc tế, nơi thông thương của thương thuyền trên thế giới. Lúc này, Singapore cũng là hải cảng lớn nhất khu vực.

Theo Kiến trúc sư Khương Văn Mười, lúc Sài Gòn được xem là “Hòn ngọc Viễn Đông” thì thành phố có quy mô nhỏ, phạm vi chỉ gói gọn ở trung tâm Sài Gòn ngày nay. Mỹ danh này cũng sớm kết thúc vào giữa thế kỷ 20.

Bài 2:

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn là điểm đến quen thuộc của người dân TP.HCM và khách du lịch ở khắp nơi trên cả nước. Là một trong những công trình biểu tượng của thành phố nhưng ít ai biết, đây là vương cung thánh đường đầu tiên của Việt Nam được sắc phong năm 1959.

Công trình do kiến trúc sư người Pháp Jules Bourard thiết kế và được ra mắt năm 1880. Nhà thờ được xây dựng theo phong cách kiến trúc Roman pha trộn với phong cách kiến trúc Gothic, bao gồm có thánh đường, tháp chuông và công viên bên ngoài.

Điểm nhấn của nhà thờ là bức tường được xây bằng gạch xuất xứ từ Marseille (Pháp) từ cuối thế kỷ 19. Phía trước mái vòm của nhà thờ là chiếc đồng hồ Thụy Sĩ trải qua hơn 140 năm vẫn hoạt động chính xác.

Tháp chuông được xem là linh hồn của nhà thờ. Vào năm 1895, có tất cả 6 chuông theo 6 âm (đồ, rê, mi, son, la, si). Trong đó, chuông Son nặng gần 8,8 tấn là một trong những quả chuông lớn nhất thế giới.

Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn không chỉ là một công trình kiến trúc nghệ thuật mà còn là nhân chứng lịch sử, chứng kiến sự đổi thay của TP.HCM hơn 1 thế kỷ qua.

 

BÀI 9: DI TICH LICH SU

Bài 1:

Cuối thế kỷ XIX, nhằm đối phó với các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam, thực dân Pháp đã tăng cường bộ máy đàn áp: bổ sung lực lượng cảnh sát, hoàn chỉnh hệ thống tòa án và xây dựng mạng lưới nhà tù. Năm 1896, trên đất làng Phụ Khánh – tổng Vĩnh Xương – huyện Thọ Xương – Hà Nội, thực dân Pháp đã xây dựng nhà tù Hỏa Lò. Đây là một trong số những nhà tù lớn nhất của thực dân Pháp ở Đông Dương.

Tháng 10/1954, sau khi miền Bắc được giải phóng, Chính phủ Việt Nam đã quản lý và tạm thời sử dụng nhà tù Hoả Lò để giam giữ những người vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, từ ngày 05/8/1964 đến 31/3/1973, nhà tù Hỏa Lò còn được dùng để giam giữ phi công Mỹ bị bắn rơi khi ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam. Trong thời kỳ này, phi công Mỹ đặt cho Hỏa Lò tên gọi hài hước “Hà Nội Hilton”. Những phi công Mỹ bị giam giữ tại đây có cả Douglas Peter Peterson, sau này trở thành Đại sứ Mỹ đầu tiên tại nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và John McCain – Cựu Thượng nghị sĩ Mỹ.

Năm 1993, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của Thủ đô, Chính phủ Việt Nam quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng của nhà tù Hỏa Lò. Một phần phía Đông Nam còn lại được gìn giữ, tu bổ, tôn tạo để xếp hạng trở thành Di tích lịch sử của Hà Nội. Nơi đây có Đài tưởng niệm các chiến sĩ yêu nước và cách mạng Việt Nam đã anh dũng hy sinh tại nhà tù Hỏa Lò vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Bài 2:

Cá nhân em cho rằng Việt Nam có rất nhiều yếu tố để phát triển du lịch. Điều đầu tiên là Việt Nam rộng lớn, kéo dài từ Bắc đến Nam nên có nhiều loại địa hìnhcảnh quan phong phú. Hơn nữa, Việt Nam có bờ biển dài, có nhiều đảo tuyệt đẹp. Đó là sức hút rất lớn đối với khách du lịch đam mê khám phá thiên nhiên. Hơn nữa, Việt Nam có 54 dân tộc với bản sắc văn hóa, ẩm thực đa dạng nên càng tạo nên sức hấp dẫn với khách du lịch bốn phương. Ngoài ra, giá cả dịch vụ du lịch ở Việt Nam cũng rẻ hơn các nước khác trong khu vực và thế giới, cho nên điều này càng thúc đẩy sự tăng trưởng trong ngành du lịch.

BÀI 10: ÔN TẬP 2

Bài 1:

Những Điều Người Nước Ngoài Yêu Nhất Ở Việt Nam

  1. Điểm đến an toàn

Khi lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ, điều đầu tiên du khách lưu ý là chọn một điểm đến an toàn. Vì thế, “nét đáng yêu” nhất nhì của Việt Nam trong mắt du khách nước ngoài chính là sự an toàn khi đi du lịch, kể cả du lịch một mình.

  1. Nhiều danh lam thắng cảnh

Trải dài từ Bắc vào Nam, Việt Nam sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh khiến du khách phải sửng sốt. Trong danh sách tổng hợp các điểm đến hấp dẫn nhất hành tinh, Việt Nam cũng nhiều lần vinh dự góp mặt.

  1. Bề dày lịch sử

Bề dày văn hóa và lịch sử trải dài hơn 4.000 năm của Việt Nam được thể hiện rõ nhất trong kho tàng văn học dân gian như các truyền thuyết, các lễ hội dân gian truyền thống của từng vùng miền, ẩm thực hay lối kiến trúc thời Pháp thuộc vẫn còn hiển hiện ở nhiều công trình. Ngày nay, du khách đến Việt Nam không chỉ để tham quan, nghỉ dưỡng mà còn khám phá tường tận lịch sử của dân tộc Việt Nam kiên cường.

  1. Ẩm thực

Ẩm thực Việt Nam được du khách nước ngoài khá yêu thích và đánh giá cao. Trên bản đồ ẩm thực thế giới, Việt Nam đã góp thêm vài món ngon như: phở, bánh mì, bún chả, nem rán… mà khi nhắc đến ai cũng biết.

Bên cạnh đó, ẩm thực đường phố, các quán ăn vỉa hè với vô số món ngon là một trong những điều khiến du khách thích thú khi khám phá về cuộc sống thường ngày của người dân Việt Nam.

  1. Cà phê

Café không phải đồ uống có nguồn gốc từ Việt Nam nhưng lại giúp Việt Nam được biết đến vì có món cà phê ngon nổi tiếng – café trứng. Người Việt sành cà phê thường uống café phin pha thêm chút sữa đặc hoặc café trứng béo ngậy, thơm hấp dẫn chứ không thích café hòa tan nhạt nhẽo – thức uống công nghiệp được sản xuất đại trà, hàng loạt.

  1. Ẩm thực tươi ngon

Một trong những điều đặc biệt ở Việt Nam thu hút những du khách hiếu kỳ là các sạp hàng bày bán thực phẩm tươi ngon trong chợ chứ không phải những siêu thị chứa đầy hàng đông lạnh.

  1. Người dân thân thiện, tử tế

Phần lớn du khách nước ngoài đều cảm nhận được tấm thịnh tình, sự chu đáo, thân thiện của người Việt Nam. Họ sẵn sàng chỉ đường cho bạn tuyến đường ngắn nhất để tới điểm tham quan, hoặc giúp bạn bắt chiếc xe bus khi cần dù bị cản trở bởi ngôn ngữ… Chắc chắn, du khách nước ngoài sẽ nhanh chóng cảm nhận được sự hiếu khách, chu đáo và hào phóng của những con người tốt bụng, cần cù.

  1. Du lịch giá rẻ

Du lịch ở Việt Nam không hề đắt đỏ như Tokyo, Nhật Bản mà lại có vô vàn điều kỳ thú đang chờ đợi du khách khám phá. Nhiều tờ báo nước ngoài đã xếp Việt Nam vào danh sách các điểm du lịch giá rẻ và dễ chịu nhất so với các quốc gia khác.

Theo Phương Nga

 

 

BÀI 11: CÔNG NGHỆ

Bài 1:

GIẢI TRÍ CỦA GIỚI TRẺ 4.0

Thời buổi 4.0 khiến mọi thứ thay đổi nhiều nhất và tích cực nhất đối với  giới trẻ. Ví dụ như muốn đi du lịch, giờ đây tất cả việc mà người trẻ cần làm là tạo nhóm chat, thống nhất kế hoạch, còn mọi thứ khác đã có…smartphone và 4G lo.

Mọi chuyến đi, mọi điểm đến có thể thực hiện nhanh và dễ dàng đến bất ngờ với rất nhiều các ứng dụng trên smartphone. Từ tìm bản đồ, tìm khách sạn, book vé máy bay, các quán ăn ngon,…mọi thứ có tất cả trong 1 chiếc điện thoại có kết nối internet. Đó cũng là lý do vì sao thế hệ ngày nay dường như “ngẫu hứng” nhiều hơn, xử lý vấn đề nhanh và dễ dàng hơn.

Nếu không đi du lịch, cuối tuần, “thanh niên 4.0” có thể đi nghe nhạc, tham gia 1 lớp vẽ tự do, hoặc chỉ đi chơi chụp ảnh sống ảo để đăng lên facebook…Họ cũng có thể cùng bạn bè tham gia các chương trình biểu diễn, chụp ảnh với nhau, check in rồi tag nhau trên Facebook.  Tất cả đều được kết nối một cách nhanh chóng nhờ công nghệ.

Rõ ràng cách mạng công nghệ 4.0 đang làm thay đổi cuộc sống của tất cả mọi người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Không chỉ trong học tập và làm việc mà còn khi họ ăn, chơi, du lịch hay hưởng thụ cuộc sống , tất cả đều rất “công nghệ”. Một chiếc máy smartphone của thế hệ trẻ bây giờ thường có tối thiểu các ứng dụng mạng xã hội như Facebook,Instagrams; ứng dụng nghe gọi miễn phí như Viber, Zalo, ứng dụng chỉnh sửa ảnh Picart, Studio; ứng dụng du lịch Google Maps, Foody, Agoda,…

Bài 2:

Triển lãm điện tử tiêu dùng lớn nhất thế giới CES 2021 diễn ra trực tuyến do Covid-19 thay vì được tổ chức tại Las Vegas như các năm trước. Nhiều ý tưởng, sản phẩm và công nghệ mới đã được giới thiệu qua sân khấu ảo của sự kiện.

Ôtô bay Cadillac

Hãng General Motors của Mỹ tham gia cuộc đua sản xuất ôtô bay khi giới thiệu phương tiện cất hạ cánh thẳng đứng chạy điện mang thương hiệu Cadillac. Hệ thống 4 cánh quạt của Cadillac có thể đạt tốc độ bay lên đến 90 km/h. Bên trong khoang ngồi còn được trang bị các cảm biến sinh học, điều khiển bằng giọng nói và công nghệ nhận dạng cử chỉ tay.

Robot thu hoạch mật Hive Controller

Thu hoạch mật ong là công việc vất vả, đòi hỏi người nuôi liên tục cúi xuống và cẩn thận nhấc các khung nuôi ong khỏi mỗi tổ. Để giảm bớt sức lao động và tăng năng suất, tập đoàn Daesung (Hàn Quốc) cho ra mắt Hive Controller với khả năng nâng 10 tảng ong một lúc. Thiết bị được đặt phía trên tổ ong và chạy trên rãnh có thể điều chỉnh. Khi đặt đúng vị trí, nó sẽ tiến hành hạ một bộ cánh tay kim loại vào tổ và đưa từng tảng ong lên theo trình tự. Cùng lúc đó, các bàn chải mềm sẽ chạy dọc theo cả hai mặt của khay nhằm loại bỏ những con ong mà không làm hại chúng. Sau đó, robot thông báo bằng âm thanh cho người nuôi đến gỡ tổ ong ra khỏi cánh tay để lấy mật.

 

 

BÀI 15: ÔN TẬP 3

Bài 1:

Xe tự hành

2021, thế giới sẽ chứng kiến những bước tiến lớn trong lĩnh vực xe tự hành. Honda khẳng định sẽ sản xuất hàng loạt dòng xe này với khả năng tự lái mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của người dùng. Tesla cho biết tính năng Autopilot có thể nhận ra biển báo tốc độ, phát hiện đèn xanh, bên cạnh các tính xác định làn đường tự động trước đây.

Thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR) lên ngôi

Covid-19 đã thúc đẩy các doanh nghiệp chuyển sang làm việc từ xa, kéo theo nhu cầu giao tiếp, làm việc nhóm qua AR và VR phát triển trong năm 2020. Sang năm 2021, các công nghệ nhập vai AR, VR sẽ được ứng dụng trên mọi lĩnh vực, từ trợ lý ảo, bản đồ, thậm chí cả trong các sự kiện thể thao, biểu diễn, đặc biệt khi công nghệ mạng 5G ngày càng phổ biến.

AI, robot, IoT, tự động hóa phát triển nhanh

Các chuyên gia nhận định, 2021 là năm nhu cầu về trí tuệ nhân tạo tăng đến mức “khổng lồ”, đồng thời AI và công nghệ tự động hóa trong công nghiệp sẽ phát triển nhanh chóng. Khi các chuỗi sản xuất và cung ứng trở lại hoạt động, tình trạng thiếu nhân lực sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Khi đó, AI, robot, IoT là giải pháp thay thế con người trong việc sản xuất.

5G

Nhu cầu về Internet tốc độ cao ngày càng lớn hơn, song song là sự phát triển của các thành phố thông minh, thiết bị tự lái, kéo theo sự cần thiết của mạng 5G và 6G.

Năm 2021, các tập đoàn và công ty khởi nghiệp sẽ đầu tư mạnh vào sự phát triển cơ sở hạ tầng cho 5G, cũng như xây dựng các ứng dụng, tiện ích mới tận dụng lợi thế của kết nối này.

Giáo dục, y tế, làm việc từ xa

Nhu cầu này nảy sinh trong đại dịch nhưng sẽ tiếp tục phát triển vào năm 2021. Trong thời kỳ dịch bệnh, đã có 190 quốc gia thực hiện đóng cửa trường học, ảnh hưởng đến gần 1,6 tỷ người trên toàn cầu.

Một số giải pháp như Zoom, hay Cisco Webex, Microsoft Teams, Google Hangouts, đã giúp người dùng học, làm việc từ xa. Nhiều công cụ sau đó đã phát triển trở thành một văn phòng ảo, nơi người dùng có thể cùng nhau học tập, làm việc và giao tiếp một cách dễ dàng.

Trong y tế, nhiều tổ chức đã bắt đầu triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa nhằm giảm phơi nhiễm Covid-19. Nhiều dịch vụ cho phép trò chuyện video giữa bác sĩ với bệnh nhân, chẩn đoán hình ảnh dựa trên AI và phân phối thuốc.

 

Bài 2:

Báo in: Là loại báo chí ra đời lâu nhất, hình thức thể hiện là ở trên giấy, có hình ảnh minh họa vô cùng sống động. Chính vì vậy mà tính phổ cập cao, nội dung bài viết sâu giúp người đọc có thể nghiên cứu, tiếp nhận hoàn toàn chủ động. Chủ động ở đây là theo nhu cầu lựa chọn sản phẩm truyền thông, tới không gian và thời gian để tiếp nhận.

Vậy nhưng hạn chế của báo in là các độc giả tiếp nhận thông tin không nhanh nhạy, hơn nữa khả năng tương tác giữa tác giả và độc giả cũng kém.

Trong khi đó báo mạng mạng điện tử, báo truyền hình, hay báo nói thì có ưu điểm đó chính là thông tin nhanh nhẹn, có tin nóng hổi là được cập nhật một cách nhanh chóng, như với thể loại báo truyền hình thì các thông tin còn được chuyển tải bằng hình ảnh và âm thanh sinh động. Như ở báo mạng điện tử thì có tính tương tác giữa tác giả và độc giả rất cao.

Tuy nhiên nhược điểm của các loại hình báo chí đó là như báo nói thì không trình bày được các thông tin bằng hình ảnh, báo truyền hình thì tương tác hai chiều không cao. Còn với báo mạng điện tử thì tính phổ cập vẫn còn yếu, phụ thuộc vào khả năng thiết bị cá nhân có kết nối được tới internet hay không và nhất là tràn lan những tin báo giả, không đúng sự thật.

 

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *