Menu Close

Phụ lục Nghe_Trình độ B2_SGK B2

BÀI 1: KHÁCH KHỨA

Bài 1:
Cuộc nói chuyện giữa 2 người bạn thân thiết-       A lô, Yến à.

–       Ừ. Hồng khỏe không?

–       Hồng khỏe. Yến ơi, Hướng lớp ta ra Hà Nội chơi. Hồng mời Hướng tối nay đến nhà ăn cơm. Gia đình Yến đến cùng luôn nhé. Ta tụ tập nha. Lâu rồi chưa gặp nhau.

–       Hihi. Ừ. Vậy để Yến hỏi chồng xem tối nay lịch của anh ấy thế nào rồi gọi lại Hồng nha.

………………………………

–       A lô, Hồng ạ. Tôi nay chồng Yến rảnh. 7 giờ nhà Yến qua nha.

–       Ừ. Cả 2 đứa nhỏ nữa nhé.

–       Có phải mua thêm gì không?

–       Không cần Yến ạ. Hồng đặt nồi lẩu riêu cua bắp bò ở quán rồi. Hồng làm thêm mấy món ở nhà nữa là được.

–       Ừ. Tối gặp nhé. 


Bài 2:

BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ

Đã bấy lâu nay bác tới nhà.

Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.

Ao sâu nước cả, khôn chài cá,

Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà.

Cải chửa ra cây, cà mới nụ,

Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.

Đầu trò tiếp khách, trầu không có,

Bác đến chơi đây ta với ta.

 

BÀI 2: TÍNH CÁCH NGƯỜI VIỆT

Bài 1:

Nước Việt Nam ta chia ra làm ba miền rõ ràng Miền Bắc,Trung, Nam. Mỗi miền có các điểm khác nhau, nên từ đó cũng dần dần hình thành nên các tính năng khác nhau. Nói về tố chất, người miền Bắc mang đậm cốt cách của kẻ sĩ. Một giai đoạn dài của lịch sử, đất Hà Thành không phải để buôn bán. Vùng giao thương nằm ở khu vực Phố Hiến, Hải Phòng, Nam Định. Đất Hà Thành là đất của người dân trọng nền khoa cử, học thức, trọng những thứ tao nhã về tinh thần và tri thức. Từ phong cách đến cái ăn, cái mặc, thú chơi đều ngậm chất như vậy. Nếu như ngày nay chúng ta lấy thước đo là sự tài trí trong kinh thương để thể hiện đẳng cấp thì lúc trước, ở mảnh đất này, học thức là thứ để mỗi người kẻ sĩ có một cái “kiêu ngầm”.

Khắc hẳn với người miền Bắc, người miền Trung – những con người của vùng đất khắc nghiệt đầy nắng, mưa và gió, vốn tính chịu thường chịu khó cũng làm nên những nét rất riêng trong cách suy nghĩ văn hóa so với các vùng khác trong cả nước. Trước những điều kiện không được thuận lợi cho lắm, họ chỉ còn cách và tìm cách hoà với thiên nhiên. Môi trường như thế đã tác động đến cách ứng xử của họ. Vì thế nét đặc sắc ở đây là sự cần cù, kiên nhẫn để làm giàu cho mình. Nhưng trong thế cân bằng đó vẫn toát lên tinh thần hoà hợp và thích nghi đến thụ động và chịu đựng, chú trọng giữ gìn sự cân bằng đó.

Mỗi vùng đất đều có những điều thú vị, nét đặc trưng riêng kể cả trong văn hóa giao tiếp. Một nhà văn hóa đã từng khái quát rằng Người Bắc “ bảo thủ ”, ngại thay đổi, thường làm theo truyền thống và thói quen còn người miền Nam năng động mà vẫn ung dung thư thái, chân phương mà cởi mở, bộc trực mà dễ chịu. Người Sài Gòn luôn có tinh thần học hỏi, sự cần cù, nhanh nhạy và năng động trong kinh doanh . “Chịu chơi” theo kiểu dám làm dám chịu , không bao giờ chịu bó tay là đặc tính của cư dân Sài Gòn, từ những con người bình dị đến giới trí thức.

Nói chung mỗi miền đều có cái đặc thù riêng của mỗi vùng, cho nên không thể bắt cái anh Miền Nam sống như người miền Bắc, mà cũng chẳng thể bắt cái anh Miền Bắc sống như người Miền Nam. Đó đã là máu thịt, là bản chất của họ rồi, cho nên cứ để họ sống tự nhiên như họ vẫn sống là tốt nhất.

Bài 2:

Giản dị là sống một cách đơn giản, không cầu kì phô trương. Nhắc đến lối sống giản dị, ta thường hiểu đó là lối sống lấy tự nhiên làm mục đích, tránh những phức tạp, khoe khoang, những điều không cần thiết. Đây là một đức tính cao quý cần có và đáng trân trọng ở mỗi người. Lối sống giản dị được biểu hiện ở nhiều phương diện khác nhau trong đời sống con người: trang phục, việc ăn uống, cách giao tiếp, thói quen, hay phong cách làm việc… Cụ thể hơn, người sống giản dị thường lựa chọn trang phục phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, gọn gàng và tiện dụng, tránh cầu kì, lòe loẹt. Còn trong cách sinh hoạt, họ hòa đồng với mọi người, tự nhiên và gần gũi trong cách cư xử, không coi mình là hơn người. Người giản dị lựa chọn cách sống coi trọng tiện ích và giá trị sâu sắc bên trong hơn là sự phô trương, hào nhoáng bề ngoài. Cũng cần khẳng định cốt lõi của lối sống giản dị là ý thức về mục đích, ý nghĩa cuộc sống. Chính những nhận thức, suy nghĩ đúng đắn sẽ chi phối con người lựa chọn cho mình sự giản dị về vật chất.

 

BÀI 3: DẠY VÀ HỌC TIẾNG VIỆT

Bài 1:

Dạy tiếng Việt ở Mỹ

Những lớp Việt ngữ hay những trung tâm tiếng Việt ở Mỹ không còn là chuyện mới. Và hiện nay, việc đưa con em đến các lớp tiếng Việt đang dần trở thành một nhu cầu không thể thiếu của nhiều gia đình người gốc Việt trên đất Mỹ.

Có thể nói ở Mỹ hiện nay, nhất là nơi nào có cộng đồng người gốc Việt định cư, sinh sống đều có ít nhất một lớp tiếng Việt hay một trung tâm dạy tiếng Việt. Các lớp học tiếng Việt thường mở cửa vào cuối tuần để phụ huynh đưa con em đến học tiếng Việt. Người gốc Việt ở Mỹ thường đánh giá sự giáo dục của cha mẹ đối với con cái bằng cách xem đứa trẻ nói năng, thưa gửi chuyện trò bằng tiếng Việt như thế nào. Vì thế, học và dạy tiếng Việt đã trở thành một  thói quen sinh hoạt văn hóa hết sức quan trọng của người Việt ở đây…”.

(Theo Sinh Nguyễn/daidoanket)

Bài 3: 

Thương ca tiếng Việt

Tiếng Việt ru bên nôi

Tiếng mẹ thương vô bờ

Đưa con vào đời bằng vần thơ

Những cánh cò bay rợp mộng mơ

Tiếng Việt cha dạy con

Những chiều bay cánh diều

Câu đồng dao bên bạn quen

Cho con nhìn quê mình tình yêu

Tiếng Việt trong bài thơ

Có người xưa chinh phụ

Ngồi mỏi mòn đợi chờ chinh phụ

Hóa đá rồi lời ca vẫn còn

Tiếng Việt còn trong mỗi người

Người Việt còn thì còn nước non

Giữ tiếng Việt như ngày nào

Hào hùng xưa mãi vọng ngàn sau

Tiếng Việt còn trong mỗi người

Hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn

Giữ tiếng Việt cho nối đời

Lời quê hương ấy lời sắt son

Tiếng Việt đêm xuân xưa

Hát niềm thương quan họ

Câu qua cầu để lại mùa thương

Cho sau này ai còn niềm vương

Tiếng Việt trên dòng sông

Có điệu Nam Ai buồn

Ai chờ ai bến bờ xưa

Ai chưa về ai còn đội mưa

Tiếng Việt con đò đêm

Tiếng hò ai bay dọc

Giọng hò tìm về quê hương

Băng cánh đồng hẹn hò người thương

BÀI 4: GIẢI TRÍ

Bài 1:

Gia đình tôi có 5 người nhưng mỗi người lại có nhu cầu giải trí khác nhau.

Bố mẹ tôi đã nghỉ hưu nên có nhiều thời gian giải trí hơn. Bố tôi rất thích xem ti vi, đặc biệt là các chương trình thời sự như chính trị – kinh tế. Bố tôi rất quan tâm đến các chính sách của Nhà nước, ông dành hàng giờ để theo dõi các bản tin thời sự. Ngoài ra, bố tôi cũng rất thích xem bóng đá, cả trong nước lẫn nước ngoài. Bất cứ giải bóng đá nào bố tôi cũng muốn xem. Mẹ tôi thì thích xem phim, nhất là phim Hàn Quốc vì có nhiều bộ phim về tình cảm gia đình và các vấn đề trong cuộc sống. Mẹ cũng thích xem ca nhạc và một vài chương trình giải trí khác như: sức khỏe, nấu ăn, làm đẹp… Thỉnh thoảng bố mẹ tôi giận nhau vì muốn xem chương trình khác nhau mà nhà lại chỉ có một cái ti vi.

Chồng tôi thì thích gặp bạn bè, đi đá bóng hoặc uống bia với nhau khi có thời gian rỗi. Anh thường nói, ngày nào cũng mải làm việc rồi về nhà bận bịu con cái, gặp bạn bè là cách để giảm căng thẳng, lấy lại năng lượng sau cả tuần vất vả. Tôi không phản đối việc anh gặp bạn, nhưng tôi không thích anh và bạn bè ngồi hàng giờ để bình luận về bóng đá thế giới chứ không phải nói chuyện công việc.

 

So với bố mẹ thì tôi thích xem chương trình giải trí trên mạng hơn. Vì tôi nghĩ xem trên mạng nhanh chóng và thuận tiện hơn, tôi có xem lại hoặc xem trực tiếp qua điện thoại bất cứ lúc nào tôi muốn. Đặc biệt, vì con tôi nhỏ nên không phải lúc nào cũng có thể xem được. Tôi thường phải tranh thủ thời gian ăn trưa ở công ty hoặc buổi tối muộn sau khi con ngủ để mở mạng mua hàng online, xem phim hay tán gẫu với bạn bè qua zalo, facebook, line… Tôi cũng quan tâm đến thời trang, làm đẹp và ca hát nên đôi khi tôi thường rủ bạn bè đi massage, đi mua quần áo hay đi nghe nhạc với nhau.

Bé nhà tôi năm nay 5 tuổi. Bé rất thích các hoạt động giải trí ngoài trời. Tôi và chồng thường cho bé đến các công viên, vườn hoa để bé có thể ngắm hoa, cây xanh và chơi với các con vật như công viên Thủ Lê, Thiên đường Bảo Sơn, công viên nước Hồ Tây… Nếu có điều kiện, vợ chồng tôi cố gắng đưa bé đi du lịch những nơi nổi tiếng có biển hay núi như SaPa, Lai Châu, Hạ Long, Đà Nẵng… Bé rất thích ngắm cảnh thiên nhiên và hít thở không khí trong lành ở đây.

 

BÀI 5: ÔN TẬP 1

Bài 1: 

Quê hương tôi nàу tôi sinh ra từ đâу

Ơi a ơi a từng câu dân ca ru tôi vào từng giấc ngủ saу

Yêu nhau cởi áo ới a cho nhau về nhà mẹ hỏi ới a a a a

Qua cầu gió baу nước xanh ối làn nước trong xanh

Vô tình là con cá lặn cái duуên có a du hời

Lời du theo tôi lớn lên

ĐK:

Máu đỏ da vàng tôi là nười Việt Ɲam

Ɓiển trời hôm naу xung về trung bắc nam

Việt nam trong tôi là ngàn khúc dân ca

Ɲơi tôi sinh ra tự hào biết mấу

Máu đỏ da vàng tôi là người Việt Ɲam

Ɗù đi năm châu cho du về nơi đâu

Trong trái tim nàу cùng hát chung câu Việt Ɲam

Lời ru đất nước hôm naу cho tôi được hát lên

ĐK:

Máu đỏ da vàng tôi là nười Việt Ɲam

Ɓiển trời hôm naу xung về trung bắc nam

Việt nam trong tôi là ngàn khúc dân ca

Ɲơi tôi sinh ra tự hào biết mấу

Máu đỏ da vàng tôi là người Việt Ɲam

Ɗù đi năm châu cho du về nơi đâu trong trái tim nàу

Ϲùng hát chung câu Việt Ɲam

Tự hào lắm tôi là người Việt Ɲam


Bài 2:

Tiến sĩ ngôn ngữ trẻ em Nguyễn Thế Dương, người điều hành câu lạc bộ “Yêu tiếng Việt”, chia sẻ: không chỉ những gia đình cả bố lẫn mẹ là người Việt mà ngay cả những nhà có bố hoặc mẹ là người nước ngoài, việc gìn giữ tiếng Việt được xem là yếu tố quan trọng để kết nối với nguồn cội, tạo nền tảng thành công trong cuộc sống sau này.

Khi tham gia các lớp học, học sinh sẽ được học trực tuyến qua Zoom với số lượng mỗi lớp 4 – 6 em. Giáo viên là những người đã được đào tạo cơ bản về ngôn ngữ học và phương pháp giảng dạy tiếng Việt.

Hiện học sinh khắp thế giới phải học trực tuyến, vô tình hỗ trợ rất nhiều cho các lớp học tiếng Việt online vì các em sử dụng thông thạo Zoom. Theo thầy Dương, vì học qua Zoom, các lớp học đều được thiết kế đặc biệt để phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi và sở thích của trẻ. Tính tương tác được đẩy mạnh thông qua tình huống giao tiếp thực tế, trò chơi vui nhộn như đoán đồ vật, ô chữ kỳ diệu.

Thầy Dương cho biết, học sinh ở các trình độ rất khác nhau, có em không nói được một từ tiếng Việt, có em biết nói một chút, nhưng lại không biết đọc; lại có em nói năng trôi chảy nhưng không biết đọc. Nhiều khi luyện cho các bé nói được đúng dấu ngã cũng cần sự kiên trì.

Nói về kế hoạch thời gian tới, thầy Dương cho biết câu lạc bộ sẽ duy trì việc dạy tiếng Việt cho trẻ em khắp thế giới với phương châm học mà chơi, chơi mà học, tức là dạy học tiếng Việt thông qua nhiều hình thức đa dạng để kích hoạt niềm hứng thú học cho các em. “Với cách này, tiếng Việt sẽ dần trở thành tiếng Việt của em. Và một cách thật tự nhiên, các em sẽ yêu tiếng Việt”, thầy Dương nói.

BÀI 6: LÀNG QUÊ VIỆT NAM

Bài 1: 

Theo em anh thì về

Theo em anh thì về thăm lại miền quê

Nơi có một triền đê

Có hàng tre ru khi chiều về

Ơi quê ta bánh đa bánh đúc

Nơi thảo thơm đồng xanh trái ngọt

Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ

Ơi quê ta dầu sương dãi nắng

Phiên chợ nghèo lều mái tranh xiên

Kìa dáng ai như dáng mẹ dáng chị tôi

Đưa nhau ta thì về

Đưa nhau ta thì về nơi mẹ đưa nôi

Nơi sáo diều chơi vơi

Với dòng sông bên lở bên bồi

Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen

Phiêu bạt chốn phồn hoa cát bụi

Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc tôi mơ

Nước qua cầu thời gian trôi mau

Nơi bền lâu là nơi lắng sâu

Thiếu quê hương ta về ta về đâu ?

Ơi quê hương ta bánh đa bánh đúc

Một chiều bưng bát cơm quê

Rưng rưng ta hát giọng quê dãi dề


Bài 2:
Làng gốm Bát TràngBát Tràng là điểm đến không hề xa lạ đối với các bạn trẻ ưa thích nét văn hóa truyền thống của làng nghề gốm sứ Việt Nam. Chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 15km, đây chính là địa điểm vô cùng lý tưởng dành cho những chuyến dã ngoại cuối tuần. Đây là một trong số những điểm tham quan du lịch nổi tiếng ở Hà Nội, Bát Tràng có một sức thu hút, hấp dẫn khách du lịch kỳ lạ. Và làng cổ luôn là điểm tham quan đầu tiên khi bạn tới Bát Tràng. Dạo quanh một vòng làng từ những con ngõ nhỏ chạy quanh như mớ tơ nhện sẽ làm bạn có cảm giác bình yên.

 

Làng lụa Vạn Phúc Ghé thăm Hà Nội phồn hoa đô thị, hãy du lịch làng lụa Vạn Phúc – nơi điểm xuyết tinh hoa văn hóa Việt còn đang được gìn giữ, vốn đã rất nổi tiếng. Lụa Vạn Phúc trứ danh từng được đánh giá là sản phẩm thủ công tinh xảo nhất xứ Đông Dương.Trải qua nhiều thế hệ, lụa Vạn Phúc vẫn giữ được nét đẹp truyền thống và đang đi đầu trong ngành dệt nước ta. Lụa làng Vạn Phúc được đánh giá là đẹp và bền. Hoa văn trên lụa rất đa dạng luôn tạo cảm giác phóng thoáng, dứt khoát.

 

Làng tranh Đông HồLàng tranh Đông hồ Bắc Ninh từ lâu đã nổi tiếng với những sản phẩm tranh đông hồ có giá trị và đặc sắc. Đây cũng là nơi thu hút hàng ngàn du khách ghé thăm mỗi năm để tìm hiểu đôi nét về làng nghề truyền thống tại Bắc Ninh – làng tranh Đông hồ. Chợ tranh hoạt động tấp nập bắt đầu từ tháng Chạp với 5 phiên chợ. Tranh Đông Hồ được bán cho các lái buôn, gia đình để treo chủ yếu trong ngày Tết nhằm cầu chúc những điều tốt đẹp. Đến với làng tranh Đông Hồ bạn còn có thể tìm hiểu ra quy trình để tạo ra được một bức tranh Đông Hồ đơn giản trước khi bạn có thể mua làm kỷ niệm.

 

BÀI 7: PHỞ HÀ NỘI

Bài 1:

Ba quán phở ngon “nức tiếng” tại Hà Nội

Phở là một trong những món ăn đặc trưng của đất nước Việt Nam, không chỉ thu hút khách thập phương gần xa mà ngay cả chính người Việt Nam cũng luôn háo hức mỗi lần được thưởng thức. Cùng điểm qua một số quán phở ngon nức tiếng chốn Hà Thành trong bài viết dưới đây.

Phở Thìn

Phở Thìn không nằm gần trung tâm phố cổ Hà Nội nhưng nhiều người vẫn tìm đến hàng ngày chỉ để thưởng thức một bát phở ở đây.

Nếu những tiệm phở khác chú trọng tới độ trong và thanh của nước dùng thì Phở Thìn lại có vị béo ngầy ngậy, “mỡ màng” nhưng không ngấy. Quán Phở Thìn đã xuất hiện và tồn tại ở Hà Nội được hơn 30 năm, đến nay vẫn chỉ có duy nhất món phở bò tái áp chảo. Độ béo ngậy trong nước dùng của phở Thìn là điểm khác biệt lớn nhất so với các loại phở khác.

Địa chỉ:

  • 13 Lò Đúc, Hai Bà Trưng, Hà Nội
  • 19B Hoàng Ngọc Phách

Giờ mở cửa: 6h00 – 20h30
Mức giá:
 60.000

Phở Bát Đàn

Phở Bát Đàn – Phở xếp hàng, đó là những gì mà người ta truyền tai nhau về thương hiệu phở ngon nhất nhì Hà Nội này. Mang hương vị truyền thống của món Phở chính gốc Hà Nội với thứ nước dùng thơm ngậy có vị ngọt của xương hầm, thịt bò tươi hồng, mềm mịn, mỗi bát phở được đầy đặn chứ không lèo tèo vài sợi như những địa chỉ khác. Với truyền thống 50 năm trong nghề, Phở Bát Đàn bằng cách nào đó đã khiến cho thương hiệu Phở của mình ngày càng phát triển lớn mạnh, khiến cho bất cứ ai mỗi lần đặt chân đến Hà Nội đều phải ít nhất 1 lần được tới thưởng thức món đặc sản “có một không hai” này.

Địa chỉ: 49 Bát Đàn, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Giờ mở cửa: 6:30 – 20:30

Giá tham khảo: 40.000 đồng

Phở Lý Quốc Sư

Phở bò Lý Quốc Sư là một trong những thương hiệu Phở Hà Nội được khẳng định từ lâu đời, Phở Lý Quốc Sư giữ chân khách hàng bằng hương vị thơm ngon, tuyệt hảo độc quyền của mình. Phở Lý Quốc Sư có nhiều loại phở bò khác nhau cho khách hàng lựa chọn như phở tái, phở bò chín, hay tái nạm gầu. Ngoài ra, thương hiệu này đã trở nên phổ biến đến nỗi trên nhiều con phố lớn đều có nhà hàng mang tên Phở Lý Quốc Sư.

Địa chỉ:

  • Cơ sở 1: số 10 Lý Quốc Sư
  • Cơ sở 2: 42 Hàng Vôi
  • Cơ sở 3: N2A Hoàng Minh Giám

Giá tham khảo: 50.000 – 75.000 đồng

BÀI 8: SÀI GÒN

Bài 1: 

SÀI GÒN TÔI YÊU

Sài Gòn vẫn trẻ. Ba trăm năm so với bốn nghìn năm tuổi của đất nước thì độ thị này vẫn còn trẻ lắm. Sài Gòn cứ trẻ như một cây non đang thay da, đổi thịt, miễn là người dân ngày nay và cả ngày mai biết cách chăm sóc, giữ gìn đô thị này.

Tôi yêu Sài Gòn da diết. Tôi yêu nắng sớm nơi đây, một thứ nắng ngọt ngào, yêu những buổi chiều lộng gió và yêu cả những cơn mưa bất ngờ. Tôi yêu phố phường náo nhiệt xe cộ. Yêu cả cái tĩnh lặng của buổi sáng với không khí mát dịu, cả đêm khuya thưa thớt tiếng ồn. Ở trên đất này, không có người Bắc, không có người Trung, người Nam, người Hoa, người Khmer,… mà chỉ toàn là người Sài Gòn cả. Sống lâu, sống quen một thời gian dài ở Sài Gòn, rồi cứ ngỡ mình đã sinh ra ở đây và coi nơi đây là quê hương của mình. Sài Gòn bao giờ cũng rộng mở đón nhiều người từ trăm nơi về đây. Nếu chăm chỉ, chịu khó thì bạn sẽ được đón tiếp thân tình như hàng triệu người dân khác. Cách đây gần năm mươi năm, vào đây, sống với người Sài Gòn, tôi đã thấy một phong cách đặc biệt. Người Sài Gòn cũng như phần lớn người Nam Bộ, rất thẳng thắn, chân thành. Họ ăn nói tự nhiên, nhiều lúc dễ dãi.

BÀI 9: DI TÍCH LỊCH SỬ

Bài 1:

Đại Nội Huế là một địa điểm du lịch nổi tiếng nhất mà quý khách không nên bỏ qua khi có dịp ghé thăm xứ Huế. Đại Nội Huế là trung tâm hành chính trước đây triều đại nhà Nguyễn được tạo thành từ một khu phức hợp rộng lớn với những công trình kiến trúc độc đáo và cổ kính. Công trình này là vòng thành thứ hai bên trong Kinh thành Huế, có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình – nơi dành riêng cho vua và hoàng gia. Người ta thường gọi chung Hoàng Thành và Tử Cấm Thành là Đại Nội. Để thuận tiện cho việc khám phá và tham quan, quý khách có thể tham khảo sơ đồ Đại Nội Huế dưới đây.

Ngay lối vào có một chiếc cổng, ở đó gọi là Ngọ Môn. Đi thẳng Ngọ Môn, ngay trước mặt chúng ta sẽ là Điện Thái Hòa. Đây là nơi diễn ra các cuộc lễ Đăng quang, tiếp sứ các bộ ngoại giao quan trọng, mừng sinh nhật vua, lễ Quốc Khánh, lễ Duyệt binh, lễ Truyền lô, lễ vạn Thọ. Sau khi đi qua Điện Thái Hòa là khu vực Tử Cấm Thành, nơi dành riêng cho vua và gia đình ăn ở, làm việc, được bao bọc xung quanh nhiều cung điện như Cần Chánh, Càn Thành, quý khách có thể ghé thăm Vườn ngự uyển. Vườn ngự uyển nằm ở bên phải, ngay phía sau của Điện Càn Thành.

Và cuối cùng là một nơi cũng rất đáng để tham quan, đó là khu vực dành cho bà nội và mẹ vua, gồm hệ thống cung Trường Sanh dành cho Thái Hoàng Thái Hậu và cung Diên Thọ dành cho Hoàng Thái Hậu. Cung Trường Sanh nằm trong cùng, bên trái của Ngọ Môn, đi thẳng đến cuối đường. Bên cạnh cung Trường Sanh là cung Diên Thọ.

Ngoài ra, nếu có thời gian, quý khách cũng có thể tới tham quan Phủ Nội Vụ. Đi từ Ngọ Môn vào, rẽ bên phải, khu vực thứ hai chính là Phủ Nội Vụ, nằm bên cạnh Thái Miếu và Triệu Miếu. Và bây giờ, xin mời quý khách bắt đầu hành trình tham quan của mình. Xin mời đi lối này.

 

Bài 2:

QUẦN THỂ DI TÍCH CỐ ĐÔ HUẾ

Quần thể di tích Cố đô Huế hay Quần thể di tích Huế là những di tích lịch sử – văn hoá do triều Nguyễn chủ trương xây dựng trong khoảng thời gian từ đầu thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỷ 20 trên địa bàn kinh đô Huế xưa; nay thuộc phạm vi thành phố Huế và một vài vùng phụ cận thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế, Việt Nam. Phần lớn các di tích này nay thuộc sự quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới vào ngày 11 tháng 12 năm 1993. Hiện tại, cố đô Huế đã được thủ tướng chính phủ Việt Nam đưa vào danh sách xếp hạng 62 di tích quốc gia đặc biệt quan trọng. Quần thể di tích Cố đô Huế có thể phân chia thành các cụm công trình gồm các cụm công trình ngoài Kinh thành Huế và trong kinh thành Huế.

BÀI 10: ÔN TẬP 2

Bài 1:

Rủ nhau chơi khắp Long thành,

Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai:

Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai,

Hàng Buồm, hàng Thiếc, hàng Hài, hàng Khay,

Mã Vĩ, hàng Điếu, hàng Giày,

Hàng Lờ, hàng Cót, hàng Mây, hàng Đàn,

Phố Mới, Phúc Kiến, hàng Than,

Hàng Mã, hàng Mắm, hàng Ngang, hàng Đồng,

Hàng Muối, hàng Nón, Cầu Đông,

Hàng Hòm,hàng Đậu, hàng Bông, hàng Bè,

Hàng Thùng, hàng Bát, hàng Tre,

Hàng Vôi, hàng Giấy, hàng The, hàng Gà,

Quanh đi đến phố hàng Da,

Trải xem phường phố, thật là cũng xinh.

Phồn hoa thứ nhất Long Thành,

Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.

Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,

Bút hoa xin chép nên thơ lưu truyền.

Bài 2:

Chương trình truyền hình thực tế “Vietnam Discovery” là những trải nghiệm của du khách quốc tế trong hành trình khám phá văn hóa, phong tục, tập quán đời sống của người dân trên mọi miền đất nước Việt Nam. Chương trình có cách khai thác, dẫn dắt câu chuyện mới lạ này được phát sóng lúc 21 giờ 30 vào thứ hai hằng tuần và phát lại lúc 8 giờ 30 thứ ba hằng tuần trên kênh VTV4.

Mỗi tập “Vietnam Discovery” khoảng 30 phút, khách mời là người ngoại quốc đảm nhận dẫn dắt câu chuyện, tùy theo trải nghiệm thực tế mà câu chuyện được khai thác ở nhiều góc độ, phản ánh sống động hành trình khám phá của họ. “Vietnam Discovery” có hình thức song ngữ Anh – Việt, những đoạn đối thoại, trao đổi giữa người trải nghiệm và người dân bản địa, tùy theo trường hợp được linh hoạt chuyển đổi thành phụ đề. Hành trình khám phá của các khách mời thường xoay quanh văn hóa, phong tục tập quán, ẩm thực, làng nghề truyền thống, nét sinh hoạt đời thường…

Nhiếp ảnh gia Irish Jason Kane đã có hành trình thú vị, nhiều bất ngờ ở cao nguyên đá Lào Cai trong tập “Gập ghềnh thu thập văn hóa vùng cao”, đồng thời có thêm hiểu biết về văn hóa của người Dao qua những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Trong đó phải kể đến kỹ thuật làm tranh, viết sách đạt đến trình độ điêu luyện. Jason Kane đã gặp gỡ ông Chảo Sành Nhàn – nghệ nhân duy nhất còn vẽ tranh thờ của người Dao ở Lào Cai và vùng Tây Bắc. Tranh thờ là tín ngưỡng, văn hóa độc đáo, thể hiện quan niệm của con người về thuở sơ khai của vũ trụ, theo tục thờ đạo Giáo đã được người Dao bản địa hóa thành bản sắc riêng. Tranh thờ có kỹ thuật vẽ thủ công và sử dụng nguyên liệu màu tự nhiên từ lá cây rừng. Trung bình mỗi năm, ông Chảo Sành Nhàn vẽ không tới 18 bức, nên tranh thờ với người Dao rất quý. Jason Kane còn đến Nậm Cang – nơi còn lưu giữ nghề chạm bạc truyền thống của người Dao; tham gia vào quá trình làm rượu San Lùng đặc sản của người Dao Đỏ…

Còn du khách Marcus Elves đến Lai Châu khám phá những ngọn núi, thác nước hùng vĩ, những hang động huyền bí và những guồng nước như những bánh xe khổng lồ ở bản Nà Khương; hay đến bản Thẳm ở Tam Đường cùng người dân bản địa bắt cá suối bằng tay không, học các điệu nhảy dân gian. Marcus Elves đã có những cảm xúc khó quên khi tìm hiểu và trải nghiệm tục nhuộm răng đen – một tập tục văn hóa lâu đời của dân tộc Lự; mang nông sản ra mua bán ở chợ phiên San Thàng – phiên chợ lớn nhất của tỉnh Lai Châu – họp chợ vào thứ năm và chủ nhật hàng tuần, mua bán các loại nông sản, sản phẩm thủ công truyền thống của bà con các dân tộc: Lự, Giáy, Mông, Dao, Thái… Marcus Elves chia sẻ anh học được nhiều điều và trân trọng sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, giữa truyền thống và hiện đại.

Mỗi tập của “Vietnam Discovery” đều có nét đặc sắc riêng, đến từ sự dẫn dắt và cảm xúc trải nghiệm của các nhân vật. Có thể thấy, trong mắt du khách quốc tế, Việt Nam có nét đẹp với bản sắc văn hóa đa dạng.

BẢO LAM

BÀI 11: CÔNG NGHỆ

Bài 1:
1.Trong kỷ nguyên kỹ thuật số hiện nay, thế giới của chúng ta chứa đầy dữ liệu. Càng có nhiều dữ liệu, chúng ta càng dễ dàng có được những hiểu biết mới và thậm chí dự đoán được những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Bằng cách phân tích khối lượng dữ liệu bằng các thuật toán thông minh, có thể phát hiện ra các vấn đề và các mối quan hệ mà trước đây chúng ta chưa biết. Và khi chúng ta có thể hiểu mối quan hệ giữa các điểm dữ liệu, chúng ta có thể dự đoán tốt hơn các kết quả trong tương lai và đưa ra quyết định thông minh hơn về những việc cần làm tiếp theo.
2.Robot ngày nay có thể được định nghĩa là những cỗ máy thông minh có thể hiểu và phản ứng với môi trường của chúng và thực hiện các nhiệm vụ thông thường hoặc phức tạp một cách tự động. Trong thời đại dựa trên dữ liệu này, đó là trí thông minh và khả năng hoạt động một cách tự động của các robot. Sự nổi lên của loại robot hợp tác, hay còn gọi là cobots, là thế hệ robot mới nhất được thiết kế để hoạt động cùng với con người như những đồng nghiệp, nhằm hỗ trợ con người, tương tác an toàn và dễ dàng với con người.
3.Một phương tiện tự lái có thể là một chiếc xe hơi, xe tải, tàu hoặc phương tiện khác mà có thể cảm nhận được những gì đang diễn ra xung quanh nó và hoạt động mà không có sự tham gia của con người.Các nhà sản xuất ô tô lớn đang đầu tư mạnh vào công nghệ tự lái và xe tự lái, điều đó có thể thay đổi bộ mặt của các thành phố của chúng ta trong tương lai. Chúng có khả năng sẽ làm giảm ô nhiễm, cải thiện đáng kể việc đi lại hàng ngày và hơn thế nữa.
4.Công nghệ mạng là xương sống của xã hội trực tuyến và nhờ đó nó tạo ra một thế giới thông minh hơn. Khi băng thông và vùng phủ sóng tăng lên, việc gửi, nhận nhiều email trở nên khả thi hơn, các dịch vụ dựa trên vị trí và phát trực tuyến video và trò chơi sẽ được cải thiện đáng kể. Mạng 5G sẽ cung cấp cho chúng ta không chỉ tốc độ truyền tải dữ liệu cao hơn mà còn có thể cho phép kết nối nhiều thiết bị hơn trong một khu vực địa lý.

 

BÀI 12: ĐẦU TƯ

Bài 1:

Tuấn: Alo, năm tới tớ về Việt Nam hẳn. Có tí vốn tiết kiệm bấy lâu, các cậu chỉ cho tớ vài chỗ đầu tư hay hay mà không rủi ro cao với.

Hùng: Bây giờ thị trường mở, có vốn thì thoải mái mà lựa chọn Tuấn ơi. Bây giờ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu là lãi nhanh hơn bất cứ loại hình nào hết. Ngoài ra muốn đầu tư dài hạn thì các nhà kinh doanh luôn chọn vào bất động sản hoặc trái phiếu chính phủ. Tầm này tiền để ngân hàng dễ mất giá lắm Tuấn ơi.

Lan: Đúng là tay to trong làng chứng khoán có khác. Hùng mới đầu tư có 2 năm nay đã mua được bất động sản rồi đấy Tuấn ơi. Hai đứa mình phải theo nó lái xem chỗ nào hợp lý thì đâu tư.

Tuấn: Hùng ơi tớ thì đang định mở doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ ở mấy khu vực người nước ngoài gần trung tâm. Thấy gần đây, người nước ngoài đang đầu tư mạnh vào thị trường Việt mình lắm à ?

Hùng: Đúng rồi, Lan là hiểu rõ hơn ai hết mà. Lan cậu ấy đang làm một cái Spa ở khu người Hàn. Cậu muốn đầu tư xậy dựng gì cứ liên lạc với Lan, nó sành sỏi lắm!

Lan: Tuấn à hợp lý đấy. Gần đây Samsung đang khởi công một dự án 200 triệu đô ở khu Bắc Từ Liêm, Lotte và Huyndai đều có những dự án khổng lồ với các đặc khu kinh tế mới trong những năm tới. Mình phải chuẩn bị sẵn sàng để đón đầu sóng kinh doanh Tuấn ạ.

Tuấn: Hay quá, tháng tới tớ về thì mấy đứa đi cà phê bàn cụ thể nhé! Đúng là không đâu bằng quê mình.

Bài 2:

Xin kính chào và cảm ơn quý vị theo dõi bản tin thời sự 16 giờ của đài truyền hình Việt Nam. Sau ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch covid 19, năm 2021, các quốc gia đang áp dụng nhiều biện pháp để phục hồi kinh tế. Trong đó tiêu biểu là chính sách thu hút đầu tư từ khối nhà đầu tư, doanh nhân quốc tế, đổi lại chính quyền các quốc gia sẽ cấp quyền định cư cho gia đình nhà đầu tư ngoại. Nhằm giúp các nhà đầu tư, doanh nhân việc nắm rõ được quyền lợi khi mở rộng kinh doanh ở nước ngoài, tập đoàn AMS đến từ Singapore đã tổ chức hội thảo tại thành phố Hồ Chí Minh kết nối nhà đầu tư với cấp chính quyền, luật sư di trú và đại diện nhà phát triển dự án lớn đến từ khắp năm châu. Tại hội thảo, đại diện chính phủ Australia, luật sư di trú Canada cũng như các nhà phát triển dự án tại các quốc gia Mỹ, châu Âu đã cập nhật các chính sách khuyến khích đầu tư, cấp quyền định cư mới nhất Đồng thời các nhà đầu tư cũng được trao đổi về những điều kiện để được cấp quyền định cư tại các quốc gia cũng như tiềm năng sinh lời của dự án.

https://www.youtube.com/watch?v=EvsUQGx29Sw

BÀI 13: BÁO CHÍ

Bài 1:
Bản tin số 1Ngày 30/1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết đang tam giữ hình sự 2 nghi phạm Trần Mỹ Linh (21 tuổi) và Nguyễn Thị Ngọc Huyền (33 tuổi, cùng ở phường Thị Cầu, TP Bắc Ninh) để điều tra về hành vi ‘trộm cắp tài sản’. Trước đó, ngày 28/1, phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh nhận được tin báo của Công ty vàng bạc đá quý Sơn Hà về việc bị thiếu hụt nhiều mặt hàng vàng 9999 đã chế tác. Tiến hành điều tra, xác minh, cơ quan Công an xác định Trần Mỹ Linh là nhân viên bán hàng tại quầy vàng 9999, đã lợi dụng sơ hở của Công ty trong việc quản lý tài sản để thực hiện hành vi trộm cắp.
Bản tin số 2Cách đây ít ngày, CLB Thanh Hóa dự định sẽ mở cửa tự do để các khán giả có thể vào sân theo dõi trận đấu gặp Nam Định trong khuôn khổ vòng 3 V.League. Đây là cách để đội bóng xứ Thanh tri ân sự ủng hộ của người hâm mộ và cũng nhằm kêu gọi CĐV tiếp tục tới sân để ủng hộ đội bóng. Thế nhưng, sự cố hi hữu lại xảy đến. Do tác động của dịch Covid-19 nên trận đấu giữa CLB Thanh Hóa gặp Nam Định đã phải diễn ra trên sân không có khán giả.Về góc độ cá nhân, đây là cơ hội để cầu thủ ngoại binh Gramoz Kurtaj ‘trả thù’ Nam Định bởi cách đây không lâu, cầu thủ này đã bị HLV Văn Sỹ bên phía Nam Định thanh lý với lý do anh ‘mắc bệnh ngôi sao’.
Bản tin số 3Thông báo của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, chiến hạm Đô đốc Gorshkov thuộc dự án 22350 của hải quân nước này sẽ thử nghiệm tên lửa siêu thanh Zircon cấp nhà nước trong năm 2021.

Quyết định được đưa ra sớm hơn kế hoạch ban đầu bởi trong tất cả các cuộc thử nghiệm được thực hiện hồi cuối năm 2020, Zircon đều cho thấy sự ổn định và tin cậy của mình khi đánh trúng tất cả mục tiêu giả định. Trong kế hoạch thử nghiệm cấp nhà nước với tổ hợp tên lửa siêu thanh Zircon, đến cuối năm 2021, khu trục hạm Đô đốc Gorshkov sẽ chính thức thử nghiệm cấp nhà nước với tên lửa siêu thanh này’, hạm đội Nga ra thông báo cho biết.

BÀI 14: KINH TẾ

Bài 1:

Tình hình xuất nhập khẩu năm 2020

  • Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2020, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 152,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 100,3 tỷ USD, tăng 2,4%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 20,3 tỷ USD, giảm 1,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,8%.
  • Về thị trường xuất khẩu hàng hóa năm 2020, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 76,4 tỷ USD, tăng 24,5% so với năm trước; tiếp đến là Trung Quốc đạt 48,5 tỷ USD, tăng 17,1%; thị trường EU đạt 34,8 tỷ USD, giảm 2,7%; thị trường ASEAN đạt 23,1 tỷ USD, giảm 8,7%; Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD, giảm 5,7%; Hàn Quốc đạt 18,7 tỷ USD, giảm 5,1%.
  • Tính chung năm 2020, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6% so với năm 2019, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 93,6 tỷ USD, giảm 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 168,8 tỷ USD, tăng 13%. Trong năm 2020 có 35 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 49,4%).

(Theo https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2020/12/baocao-tinh-hinh-kinh-te-xa-hoi-quy-iv-va-nam-2020/)

BÀI 15: ÔN TẬP 3

Bài 1:

Du lịch là ngành kinh tế đóng góp rất lớn cho GDP của Việt Nam. Lúc đầu du khách tự tìm đến Việt Nam giống như một thử thách. Nhưng, sau đó họ đều nói rằng họ sẽ quay lại đây một hoặc nhiều lần sau. Điều này chứng tỏ Việt Nam rất đẹp và có sức hút với du khách. Một điều nữa là, văn hóa của Việt Nam rất đặc biệt. Mỗi vùng miền của Việt Nam lại có đặc trưng phong tục, ẩm thực khác nhau nhưng vẫn thống nhất về bản sắc dân tộc.

Đối với người nước ngoài, dịch vụ du lịch của Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng để phát triển. Nhưng phát triển du lịch một cách chuyên nghiệp thì còn rất nhiều hạn chế. Chẳng hạn như: những nơi du khách ghé qua thì đa số người dân ở đó không giao tiếp được bằng tiếng Anh, dịch vụ khá ít và chưa sạch sẽ lắm. Nhiều khách du lịch ra đảo ở Nha Trang phàn nàn về việc đổ rác thải xuống biển. Điều này làm cho họ cảm thấy bất an khi sử dụng các dịch vụ ăn uống tại đây.

Để cải thiện du lịch Việt Nam thì có lẽ là cơ sở hạ tầng. Tắc đường hàng ngày khiến nhiều người cảm thấy di chuyển khá bất tiện. Ví dụ như người ở thành phố Hồ Chí Minh đã mất 45 phút để đi từ quận 7 về quận 1, dù chỉ 7km.

Tóm lại, Việt Nam cần có những chính sách phát triển phù hợp và thiết thực với tình hình ngành du lịch hiện nay. Trong đó, cần tăng cường việc quảng bá hình ảnh du lịch, con người Việt Nam đến với thế giới để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *