Menu Close

Phụ lục Nghe_Trình độ C1_SGK C1

BÀI 1: CHỮ QUỐC NGỮ

Bài 1:

CÁC HỆ NGÔN NGỮ

Tiếng địa phương

Tiếng Việt có sự thay đổi trong giọng nói từ Bắc vào Nam. Trong đó, giọng Bắc Hà Nội, giọng Trung Huế và giọng Nam Sài Gòn là ba phân loại chính. Những tiếng địa phương này khác nhau ở giọng điệu và từ địa phương. Thanh ngã và thanh hỏi ở miền Bắc rõ hơn ở miền Nam và Trung. Miền Bắc sử dụng một số phụ âm (tr, ch, n, l…) khác với miền Nam và Trung. Giọng Huế khó hiểu hơn những giọng khác vì có nhiều từ địa phương.

Từ vựng tiếng Việt được chia ra thành hai bộ phận lớn: từ thuần Việt và từ mượn. Ngoài ra còn có những từ hỗn chủng, là kết quả của sự kết hợp các yếu tố thuần Việt và ngoại lai.

Từ thuần Việt

Từ thuần Việt là những từ xuất hiện lâu đời trong tiếng Việt, biểu thị những sự vật, hiện tượng, khái niệm cơ bản nhất. Do có sự tiếp xúc từ rất sớm với các ngôn ngữ nhóm Tày-Thái nên nhiều từ thuần Việt và các từ tương ứng trong các tiếng này có sự giống nhau nhất định về ngữ âm và ngữ nghĩa.

Từ Hán-Việt

Sự tiếp xúc giữa tiếng Việt và tiếng Hán bắt đầu khi nhà Hán của Trung Quốc xâm chiếm nước Việt. Quá trình tiếp xúc lâu dài đã đưa vào tiếng Việt một khối lượng từ ngữ rất lớn của tiếng Hán. Giai đoạn đầu, hiện tượng này diễn ra lẻ tẻ, rời rạc, chủ yếu thông qua đường khẩu ngữ qua sự tiếp xúc giữa người Việt và người Hán, tạo nên một lớp từ có nguồn gốc Hán cổ mà ngày nay đã hoà lẫn với các từ thuần Việt. Đến đời Đường, tiếng Việt mới có sự tiếp nhận các từ ngữ Hán một cách có hệ thống qua đường sách vở. Các từ ngữ gốc Hán này chủ yếu được đọc theo ngữ âm đời Đường tuân thủ nguyên tắc ngữ âm tiếng Việt gọi là âm Hán-Việt. Khi được đưa vào tiếng Việt, bên cạnh việc bị thay đổi về mặt ngữ âm, nhiều từ Hán Việt bị thay đổi cả ngữ nghĩa.

Từ hỗn chủng

Từ hỗn chủng là những từ được tạo thành từ các yếu tố có nguồn gốc khác nhau, như giữa yếu tố thuần Việt và Hán Việt, giữa yếu tố thuần Việt và yếu tố Ấn-Âu. Cùng với sự phát triển của tiếng Việt, các từ hỗn chủng được tạo ra ngày càng nhiều, đóng vai trò quan trọng trong việc diễn đạt các khái niệm mới trong xã hội hiện đại.

BÀI 2: CÁC DÂN TỘC Ở VIỆT NAM

Bài 1:

ĐỊA BÀN SINH SỐNG CỦA DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở VIỆT NAM

Giới thiệu chung

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc cùng sinh sống. Người Kinh chiếm 85,4% dân số Việt Nam, với  78,32 triệu người. 53 dân tộc thiểu số (DTTS) còn lại chỉ chiếm 14,6% dân số cả nước.

Giữa các DTTS cũng có rất nhiều khác biệt. Trong số đó, người Hoa (dân tộc Hán) có nhiều đặc điểm văn hóa tương đồng với văn hóa Việt Nam, và họ cũng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, người Hoa thường không được ghi nhận là một “dân tộc thiểu số” ở Việt Nam. Các dân tộc khác, ví dụ như dân tộc H’Mông và dân tộc Nùng chủ yếu sống dựa vào trồng trọt và duy trì đời sống văn hóa gắn liền với những khu rừng. Các DTTS cũng được phân chia theo hệ ngôn ngữ. Ngôn ngữ của các dân tộc Việt Nam được chia làm 8 nhóm: Việt – Mường, Tày – Thái, Môn – Khmer, Mông – Dao, Ka đai, Nam đào, Hán và Tạng. 96% các dân tộc thiểu số nói tiếng mẹ đẻ của họ.

Địa bàn sinh sống

Đồng bào các DTTS thường tập trung vào các vùng núi và vùng sâu vùng xa, tuy nhiên họ cũng phân bố rải rác trên toàn lãnh thổ Việt Nam do chiến tranh và nhập cư. Các DTTS sinh sống ở khu vực thành thị thường sung túc hơn các DTTS sống ở khu vực nông thôn. Nhiều làng, xã có tới 3-4 DTTS khác nhau cùng sinh sống. Vị trí địa lý đóng một vai trò quan trọng trong các tập tục văn hóa của các DTTS, song cũng đồng thời tạo ra những rào cản trong việc tiếp cận cơ sở hạ tầng và các dịch vụ công như y tế và giáo dục.

Khả năng tiếp cận cơ sở vật chất cơ bản tại những địa bàn người DTTS sinh sống chủ yếu vẫn còn hạn chế. 72% DTTS không có nhà vệ sinh đạt chuẩn, và hơn ¼ số hộ DTTS không được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh. Tỉ lệ hộ có điện sinh hoạt tương đối cao ở Việt Nam, tuy nhiên phần lớn các hộ sinh sống tại khu vực nông thôn và vùng núi chưa được sử dụng điện lưới, gây nên tình trạng mất cân đối trong đời sống đồng bào DTTS.

BÀI 3: PHONG TỤC TRUYỀN THỐNG

Bài 1:

Đoạn 1:

Khi Tây Bắc bước vào mùa xuân là lúc những chàng trai Mông rộn ràng hẹn bạn chuẩn bị cho ngày đi “bắt vợ” (còn gọi là kéo vợ). Theo nhiều người nơi đây, tục kéo vợ có từ rất lâu đời. Những đôi trai gái đến tuổi cập kê phải lòng nhau, hẹn hò ở trên rừng, trên đường, hay phiên chợ rồi đến xế chiều, chàng trai nhờ một vài người bạn lên điểm hẹn kéo cô gái về nhà mình. Mặc dù đôi trai gái yêu nhau, ước hẹn chung sống cả đời nhưng không có cô gái nào tự bước chân về nhà chồng, chàng trai phải tổ chức kéo thì cô gái mới chịu về. Đám kéo nào càng nhiều bạn bè tham gia giúp, kéo càng quyết liệt, thì đôi vợ chồng đó càng hạnh phúc và sống lâu, càng đông con, nhiều của… Thường đối với người dân tộc Mông, khi trai gái đã “ưng cái bụng”, họ sẽ về báo cáo với gia đình hai bên. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, nhà trai sẽ mời ông mối sang nhà gái thưa chuyện rồi làm lễ dạm hỏi, lễ ăn hỏi (hẹn cưới) và cuối cùng là lễ cưới (đón dâu). Đám cưới thường được tổ chức vào mùa xuân, khi mà đất trời giao hòa, vạn vật sinh sôi nảy nở.

Đoạn 2:

Theo quan niệm dân gian của cộng đồng người Việt, đứa trẻ được sinh ra là do các vị Đại Tiên (Bà chúa Đầu thai) mà trực tiếp là 12 Tiên Nương (12 Bà Mụ) nặn ra. Mỗi bà Mụ sẽ có trách nhiệm nặn ra một bộ phận cho đứa trẻ như mắt, mũi, tay, chân, tóc,… xấu hay đẹp cũng là do Mụ nặn ra cả. Vì vậy, khi đứa trẻ đầy cữ (ba ngày tuổi), đầy tháng (một tháng tuổi) hay thôi nôi (một năm tuổi) thì bố mẹ, ông bà phải bày tiệc cúng Mụ để tạ ơn các Bà Mụ đã mang đứa trẻ đến với gia đình và cầu xin các Mụ ban cho đứa trẻ mọi điều may mắn tốt lành. Như vậy, lễ cúng đầy tháng cho bé là một trong những lễ cúng Mụ và trong lễ này, ngoài việc chuẩn bị đồ ăn, thức uống để chiêu đãi khách khứa, gia chủ còn phải chuẩn bị mâm lễ vật cung kính 12 Bà Mụ và 3 Đức Ông.

BÀI 4: VĂN HỌC VIỆT NAM

Bài 1:

Truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh

Vua Hùng Vương thứ mười tám có một người con gái cực kỳ xinh đẹp tên là Mị Nương, nhà vua muốn kén cho nàng một chàng rể thật xứng đáng. Trong vùng có hai chàng trai đến cầu hôn Mị Nương, một người tên là Sơn Tinh – chúa vùng núi cao, một người là Thủy Tinh – chúa miền biển cả. Cả hai đều tài giỏi ngang nhau nên nhà vua không biết lựa chọn ai bèn hạ lệnh rằng nếu hôm sau ai đem lễ vật đến trước sẽ được rước Mị Nương về. Lễ vật bao gồm: “một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi”. Hôm sau, Sơn Tinh đem lễ vật đến trước trước, rước được Mị Nương về.

Thủy Tinh đến sau, nổi giận đùng đùng đem quân đuổi đánh để cướp Mị Nương. Thủy Tinh hô mưa gọi gió, dâng nước lên cao, Sơn Tinh không hề nao núng mà bốc từng quả núi chặn lũ. Hai bên đánh nhau ròng rã mấy tháng, sức của Thủy Tinh đã đuối nên đành chịu thua. Nhưng vì thù hận không thể quên, hằng năm Thủy Tinh vẫn dâng nước lũ đánh Sơn Tinh và lần nào cũng thua trận.

Bài 2:

Truyện cổ tích Cây khế

Gia đình nọ có hai anh em, cha mẹ mất sớm và để lại cho anh em một khối gia tài. Vợ chồng người anh tham lam giành hết chỉ chừa lại cho người em một mảnh vườn nhỏ có cây khế. Vợ chồng người em chăm chỉ làm ăn và chăm sóc cây khế chu đáo. Đến mùa khế ra rất nhiều quả. Bỗng một hôm có con chim lạ đến ăn khế. Người em than khóc và đại bàng liền bảo người em may túi ba gang để chim trả ơn. Chim đưa người em ra đảo lấy vàng và người em trở nên giàu có nhất vùng.
Người anh hay tin, lân la đến dò hỏi và đổi cả gia tài của mình để lấy mảnh vườn có cây khế. Đến mùa khế chín, chim đại bàng lại đến và cũng ngỏ ý sẽ trả ơn. Người anh vì tham lam nên đã may túi to để dựng được nhiều vang. Trên đường đi lấy vàng về vì quá nặng nên người anh đã bị rơi xuống biển và chết.

Bài 3:
Lời bài hát “Bống bống bang bang

Ngày xưa xưa ơi là xưa
ở một nơi đồng quê bát ngát
Nhà kia có hai chị em
Tên được cha đặt là Tấm Cám
Từ thuở ấu thơ
Tấm đã mơ về hơi ấm tay mẹ
Sẽ có ngày tấm thân này
Tìm ra lối thoát về nơi ấm êm
Sinh ra trong gia đình
Vô tâm không thương mình
Thương thay cho thân phận
đời cô Tấm
Vui chơi hay sa đà
Rong chơi hay la cà
Không quan tâm ai
Trời ơi con Cám
Lừa Tấm lấy hết cá tôm
Một mình Cám
ấp ôm chiến công về nhà
Tấm ơi chớ lo
Hạnh phúc sẽ đến với người thật thà
Ối a
I a i a ia i a
Ối a
I a i a ia i a
Ối a
I a i a ia i a
Ối a
I a i a ia i a
Bống Bống Bống Bống Bang Bang
Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta
Bống Bống Bống Bống Bang Bang
Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người

BÀI 5: ÔN TẬP 1

Bài 1:

Con Rồng, cháu Tiên

Thuở xa xưa ở miền Lạc Việt có một vị thần, nòi rồng, tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng, là con trai của nữ thần Lạc Long Nữ nơi thuỷ cung tráng lệ.

Lạc Long Quân có sức khoẻ phi thường, lắm phép lạ, đã vì dân mà ra tay diệt Hồ Tinh, Ngư Tinh, Mộc Tinh và nhiều yêu quái khác. Thần còn dạy dân biết cách trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn, chài lưới, cách làm nhà để ở,…

Cũng thuở ấy, ở vùng núi phương Bắc có nàng Âu Cơ, thuộc dòng dõi Thần Nông, tuyệt trần xinh đẹp. Nghe tin vùng đất Lạc Việt phương Nam là một xứ sở nhiều hoa thơm cỏ lạ, Âu Cơ bèn du ngoạn tới thăm.

Âu Cơ gặp Lạc Long Quân yêu nhau rồi nên vợ nên chồng. Sau mối kỳ duyên hạnh ngộ, Âu Cơ đẻ ra một cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm đứa con trai khôi ngô, tuấn tú tuyệt trần. Cuộc sống đang diễn ra vô cùng hạnh phúc, thì một hôm Lạc Long Quân nói với Âu Cơ rằng: Ta vốn nòi rồng sống ở nước, nàng là dòng tiên ở non cao. Khó ở với nhau một nơi lâu dài được. Ta sẽ đưa năm mươi con xuống biển; nàng đưa năm mươi con lên núi, chia nhau trấn giữ các phương khi cớ sự nhớ giúp nhau, chớ sai lời hẹn….

Âu Cơ đưa năm mươi con lên núi sinh cơ lập nghiệp. Người con trưởng được tôn lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu, truyền ngôi mười mấy đời uy danh rạng rỡ tứ phương. Con cháu ngày một thêm đông đúc.

Bài 2:

Bèo dạt mây trôi

Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi,

Anh ơi, em vẫn đợi… í i ì… bèo dạt

Mây í i ì… trôi,

chim sa, tang tính tình… í i ì…, cao vời

Ngậm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ

sao chẳng thấy anh…

Một mảnh trăng treo, suốt năm canh,

Anh ơi, trăng đã ngã… a á à… ngang đầu

Thương nhớ… ờ ơ… ai, sao rơi… đêm sắp tàn… í i ì…

trăng tà,

Người ra đi có nhớ, (hay người xa có nhớ)

là nhớ ai ngồi trông cánh chim trời,

sao chẳng thấy anh…

Mòn mỏi thâu đêm, suốt năm canh

Anh ơi, em vẫn đợi… í i ì… mỏi mòn

Thương nhớ… ờ ơ… ai

Sao rơi, trăng sắp tàn .. í i ì… trăng tà

Cành tre đu trước ngõ

Là gió la đà em vẫn mong chờ, sao chẳng thấy anh…

Thương nhớ.. ờ ơ… ai

Sao rơi, trăng sắp tàn .. í i ì… trăng tà

Cành tre đu trước ngõ

Là gió la đà em vẫn mong chờ, sao chẳng thấy anh…

BÀI 6: BỮA CƠM TRUYỀN THỐNG

Bài 1:

QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG BỮA CƠM VIỆT

1.     Mời cơm trước khi ăn

Đây là tập tục mà có lẽ chỉ còn nguyên vẹn ở miền Bắc, còn các vùng miền khác, người ta đã quên đi tập tục mời cơm này. Trước khi ăn chỉ cần bạn mời cả nhà ăn cơm một câu chung chung, không phải quá khách sáo với cả nhà là được. Ví dụ: “Mời cả nhà ăn cơm”, “Mời cả nhà dùng cơm”…

2.     Ăn coi nồi, ngồi coi hướng

Câu tục ngữ này ám chỉ các người phụ nữ thời xưa phải biết dè dặt khi ăn uống, thường chỉ được ăn ở mâm dưới hoặc nhà bếp. Ngày nay, điều này cũng được áp dụng khi ngồi trên cùng bàn ăn, chú ý ăn từ tốn, chậm rãi nếu đồ ăn ít, không tranh phần của người khác và không cố ăn lấy ăn để dù rất đói.

3.     Không cắm dựng đứng đũa trên chén cơm

Khi đến chơi nhà người khác vào dịp Tết, bạn sẽ được chủ nhà hiếu khách đáp trả bằng mời ăn bữa cơm thân tình. Lúc dùng cơm, các bạn nên tránh trường hợp cắm đứng đũa trên chén cơm. Đũa cắm dựng đứng trên chén cơm giống như việc chúng ta đang thắp nhang cho người đã khuất, mà điều này chỉ để dùng khi đặt cơm cúng, chứ bình thường người ta kiêng kỵ làm điều này.

4.     Không lật cá khi đang ăn

Điều này có lẽ bạn trẻ nào cũng được gia đình nhắc nhở khi ăn cá đúng không? Ăn cá thường tránh việc ăn hết một bên cá và lật ngược phía còn lại để ăn. Đối với những người hành nghề đánh cá trên biển, việc lật cá thể hiện cho điềm gở   là lật thuyền. Ngày này việc lật cá có người còn dùng cho trường hợp những tài xế lái xe, tàu cũng không nên lật cá khi ăn. Vì vậy nếu ăn hết một bên cá thì gỡ xương và ăn tiếp phần còn lại.

5.     Quy tắc khi mời rượu, bia người lớn tuổi

Bữa cơm ngày Tết không tránh khỏi việc mời nhau vài 3 ly bia, ở một số nơi thì khi muốn mời bia người lớn hơn tuổi bạn phải cụng sao để ly mình thấp hơn ly người được mời. Và người được mời nhỏ tuổi hơn thì nên đưa hai tay cầm ly bia để người kia rót vào. Khi ly bia của bạn thấp hơn ly người được mời thể hiện sự kính trọng với người trên, điều này dành cho các chàng khi về ra mắt nhà vợ tương lai nhé.

6.     Ngồi lại bàn sau khi ăn xong

Bạn là người có thói quen dùng bữa nhanh, gọn trước người khác thì khi đến nhà người khác thì bạn nên chú ý điều này. Nếu bữa ăn đó có người lớn tuổi hay món ăn không hợp khẩu vị bạn thì bạn cũng đừng vội đứng dậy trước chủ nhà quá sớm.

BÀI 7: CHỮ HIẾU

Bài 1:

SỰ KHÁC BIỆT TRONG GIA ĐÌNH VIỆT XƯA VÀ NAY

  1. Quy mô gia đình

Trước đây, trong một gia đình thường có ông bà, bố mẹ, con cái. “Tứ đại đồng đường” là chuyện rất bình thường ở các ngôi nhà Việt. Điều kiện khó khăn, việc “thoát ly” ra khỏi tổ ấm dường như rất ít, con cái lớn lên, cưới vợ gả chồng rồi sinh con vẫn cố gắng để ở bên, phụng dưỡng cha mẹ. Ngược lại, việc sống cùng người già giúp các cặp vợ chồng trẻ giữ được nề nếp, thói quen, gia phong của gia đình, đồng thời biết kính trên, nhường dưới.

Xã hội ngày nay, các cặp vợ chồng trẻ tuổi thích sự tự do, muốn thể hiện được cái tôi. Họ có khả năng độc lập cao, có điều kiện kinh tế. Những lý do đó khiến nhiều người quyết định sống riêng, gây dựng một gia đình nhỏ chỉ có hai thế hệ. Không những thế, người phụ nữ ngày càng bình đẳng, không chấp nhận hy sinh nên khó lòng sống hài hòa với nhà chồng. Lựa chọn sống riêng vì thế ngày càng nhiều.

  1. Sự khác biệt giữa hai thế hệ

Giữa một phía quyết giữ bằng được mọi giá trị truyền thống và một bên ra sức phá bỏ, luôn luôn xảy ra những mâu thuẫn. Người già luôn đem những câu chuyện ngày xa xưa ra làm chuẩn mực để dạy dỗ thế hệ trẻ, còn người trẻ thì cho đó là lạc hậu, không biết tiếp nhận cái mới. Tiếng nói chung giữa hai thế hệ ngày càng ít đi.

Gia đình, dù ở thế hệ nào, cũng đều hướng tới giá trị hạnh phúc của mỗi con người sống trong đó. Dù hiện đại hay truyền thống, thì bố mẹ cũng luôn hy sinh và làm mọi thứ để con cái được hạnh phúc.

 

BÀI 8: VĂN HÓA TRÀ

Bài 1:

Uống trà

Sáng sớm, tôi tỉnh dậy rất sớm.

Đôi mắt cứ lim dim, bố kêu:” Mày vào uống với bố một ly trà nào”

Nắng sớm, chiếu qua rèm cửa sổ,

Tờ báo sáng trên tay, ung dung làm ngụm trà rồi xem tin tức thế nào

Mẹ kêu mẹ hỏi chuyện học hành, mẹ làm cho một bữa sáng

Chị kêu:” Mày chuẩn bị được gì? Đồ này mày ủi chưa?”

Bố thì nói chuyện về xăng dầu, kinh doanh rồi chứng khoán

Cả nhà quây quần bên ấm trà . Bố cười, mẹ cười, chị cười, oh, tôi cười

Ai ở đâu, ở đâu oh oh oh hãy nhớ lấy

Ai về đi, về uống một ngụm trà với bố mẹ

Ai ở đâu, ở đâu oh oh oh hãy nhớ lấy

Ai về đi, về uống một ngụm trà với bố mẹ

BÀI 9: TRÒ CHƠI DÂN GIAN

Bài 1:
  1. Trò chơi mèo đuổi chuột

Trò chơi gồm từ 7 đến 10 người. Tất cả đứng thành vòng tròn, tay nắm tay, giơ cao lên qua đầu. Rồi bắt đầu hát.
Mèo đuổi chuột
Mời bạn ra đây
Tay nắm chặt tay
Đứng thành vòng rộng
Chuột luồn lỗ hổng
Mèo chạy đằng sau

Một người được chọn làm mèo và một người được chọn làm chuột. Hai người này đứng vào giữa vòng tròn, quay lưng vào nhau. Khi mọi người hát đến câu cuối thì chuột bắt đầu chạy, mèo phải chạy đằng sau. Tuy nhiên mèo phải chạy đúng chỗ chuột đã chạy. Mèo thắng khi mèo bắt được chuột. Rồi hai người đổi vai trò mèo chuột cho nhau. Trò chơi lại được tiếp tục.

  1. Rồng rắn lên mây là trò chơi hay, thích hợp với các em nhỏ, vừa vui nhộn lại vừa bổ ích.

Để bắt đầu trò chơi, bạn cần chọn ra một người đứng ra làm thầy thuốc, những người còn lại xếp hàng một, tay người sau nắm vạt áo người trước hoặc đặt trên vai của người phía trước. Sau đó tất cả bắt đầu đi lượn qua lượn lại như con rắn, vừa đi vừa hát. Lúc đó thầy thuốc phải tìm cách làm sao mà bắt cho được người cuối cùng trong hàng. Ngược lại thì người đứng đầu phải dang tay chạy, cố ngăn cản không cho người thầy thuốc bắt được cái đuôi của mình, trong lúc đó cái đuôi phải chạy và tìm cách né tránh thầy thuốc. Nếu thầy thuốc bắt được người cuối cùng thì người đó phải ra thay làm thầy thuốc.

Nếu đang chơi giằng co giữa chừng, mà rồng rắn bị đứt ngang thì tạm ngừng để nối lại và tiếp tục trò chơi.

  1. Trò kéo co ở mỗi nơi có những lối chơi khác nhau, nhưng bao giờ số người chơi cũng chia đều làm hai phe. Có khi cả hai bên đều là nam, có khi bên nam, bên nữ. Trong trường hợp bên nam bên nữ, dân làng thường chọn những trai gái chưa vợ chưa chồng.

Hai bên xúm nhau nắm lấy sợi dây thừng dài và dùng hết sức để kéo sao cho đối phương ngã về phía mình là thắng cuộc. Bên ngoài dân làng cổ vũ hai bên bằng tiếng “dô ta”, “cố lên”.

Có nơi người ta lấy tay người, sức người trực tiếp kéo co. Hai người đứng đầu hai bên nắm lấy tay nhau, còn các người sau ôm bụng người trước mà kéo. Đang giữa cuộc, một người bên nào bị đứt dây là thua bên kia. Kéo co cũng kéo ba keo, bên nào thắng liền ba keo là bên ấy được.

Bài 2: 

Lời 1

Nu na nu nống
Cái bống nằm trong
Con ong nằm ngoài
Củ khoai chấm mật
Phật ngồi phật khóc
Con cóc nhảy ra
Con gà ú ụ
Nhà mụ thổi xôi
Nhà tôi nấu chè
Tay xòe chân rụt

Lời 2

Nu na nu nống
Đánh trống phất cờ
Mở cuộc thi đua
Thi chân đẹp đẽ
Chân ai sạch sẽ
Gót đỏ hồng hào
Không bẩn tí nào
Được vào đánh trống

BÀI 10: ÔN TẬP 2

Bài 1:

Vè là thể loại tự sự dân gian bằng văn vần, có cơ sở từ lối nói vần vè của nhân dân, chủ yếu nhằm phản ánh kịp thời và cụ thể những chuyện về người thật, việc thật ở từng địa phương, những sự kiện có ý nghĩa trong đời sống nhân dân. Người lớn đặt vè và hát vè để chế giễu tệ nạn; hay ca tụng những thành tích xây dựng làng xã, ca ngợi những người anh hùng v.v… Còn vè trẻ em thì hồn nhiên, ngộ nghĩnh, phù hợp với tính cách và thế giới quan của tuổi thơ đầy thú vị của các em.

Thiếu nhi luôn gần gũi và gắn bó với các loài vật, với cỏ cây hoa lá. Bởi vậy thế giới loài vật và các loại cỏ cây, hoa lá luôn ánh lên trong những câu vè của các em đầy sinh động và hấp dẫn. Ở vùng núi non trùng điệp, hay vùng trung du, đồng bằng cây cối tốt tươi, các em hát vè về các loài vật bằng sự quan sát tinh tế và hồn nhiên. Thế giới loài vật trong lời hát vè của thiếu nhi thật phong phú, đa dạng. Ðến bây giờ, dù đã lớn tuổi, nhưng khi nghe các em hát vè, tôi như được quay về với thế giới tuổi thơ, với những lời ca dân dã. Do đặc tính là thích khám phá, tinh nghịch, thông minh, nên trong lời ăn, tiếng nói của các em có sự ngộ nghĩnh, đáng yêu. Học từ vốn truyện cổ, thiếu nhi có những bài vè nói láo và vè nói ngược rất mộc mạc, thơ ngây và gợi cảm. Người lớn nhiều khi cũng phải tròn xoe con mắt và không nhịn được cười khi nghe các em hát.

Cũng như những khúc đồng dao, những câu hát vè – nhất là hát vè trẻ em đã góp phần quan trọng để giáo dục về nhận thức, về đạo đức, nhân cách và bồi dưỡng về trí tuệ, thể lực, thẩm mỹ; hay luyện phát âm, vốn từ vựng, hay đơn giản là giữ nhịp cho thao tác trong các trò chơi, v.v. cho các em. Cộng đồng và các ngành chức năng – nhất là ngành giáo dục, nên chăng sưu tầm và phổ biến những khúc đồng dao và những bài vè hay, có ý nghĩa cho thiếu nhi.

Nguyễn Thị Thọ

BÀI 11: BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU

Bài 1:

Trẻ em và biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất trên thế giới đối với biến đổi khí hậu, trẻ em và phụ nữ là nhóm đặc biệt có nguy cơ rất cao.

Trên toàn cầu, Việt Nam là quốc gia xếp thứ sáu chịu ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu. Mỗi năm, các diễn biết thời tiết ngày càng phức tạp và không thể dự báo trước được gây ra tỷ lệ tử vong và thiệt hại cho cơ sở hạ tầng rất cao, chẳng hạn như trường học và trung tâm y tế, và tác động xấu đến sinh kế của nhóm dân số thiệt thòi ở thành thị và nông thôn.

Trẻ em đặc biệt bị ảnh hưởng bởi những thảm họa thiên nhiên này. Tiếp cận với thực phẩm, nước sạch, giáo dục và chăm sóc sức khỏe đang bị đe dọa và áp lực lên cộng đồng – do mất nguồn thu nhập và tài sản – điều này làm tăng sự tiếp xúc của trẻ với bạo lực, bóc lột và lạm dụng. Phụ nữ cũng có xu hướng bị ảnh hưởng không nhỏ, làm tăng thêm các tác động tiêu cực đối với trẻ em, vì các em sẽ ít được cung cấp đủ dinh dưỡng hoặc chăm sóc.

Những xu hướng này được dự báo sẽ tăng cường theo thời gian. Đến năm 2050, nhiệt độ trung bình dự kiến ​​tăng thêm 1-2 độ C có thể dẫn đến tỷ lệ hạn hán cao hơn với cường độ lớn hơn và tăng lượng mưa dẫn đến mực nước biển dâng cao 1 mét dọc theo các vùng ven biển. Điều này sẽ có tác động thay đổi cuộc sống trên các vùng đất thấp không có biện pháp thích ứng, với gần một nửa khu vực đồng bằng sông Cửu Long – quan trọng đối với an ninh lương thực và nền kinh tế của quốc gia – đặc biệt có nguy cơ. Đối với cộng đồng cư dân, điều này có nghĩa là giảm thu nhập và giảm năng suất cây trồng, suy giảm tài nguyên thiên nhiên, mất tài sản và thiệt hại cơ sở hạ tầng, giảm tính cơ động, không được tiếp cận với việc làm hoặc dịch vụ và gia tăng bệnh tật cho con người đồng nghĩa với việc giảm năng suất lao động.

BÀI 12: DÂN SỐ

Bài 1:

Tỷ số giới tính ở Việt Nam

Kết quả tổng điều tra năm 2019 cho thấy, tỷ số giới tính của dân số Việt Nam là 99,1 nam/100 nữ. Trong đó, tỷ số giới tính khu vực thành thị là 96,5 nam/100 nữ, khu vực nông thôn là 100,4 nam/100 nữ. Tỷ số giới tính của dân số Việt Nam liên tục tăng nhưng luôn ở mức dưới 100 kể từ TĐT năm 1979 đến nay.

Tỷ số giới tính có sự khác biệt theo các nhóm tuổi, tuổi càng cao tỷ số giới tính càng thấp, cao nhất ở nhóm 0-4 tuổi (110,3 nam/100 nữ) và thấp nhất ở nhóm từ 80 tuổi trở lên (48,6 nam/100 nữ). Tỷ số giới tính gần như cân bằng ở nhóm 45-49 tuổi (100,2 nam/100 nữ) và bắt đầu giảm xuống dưới 100 ở nhóm 50-54 tuổi (95,9 nam/100 nữ).

Kết quả TĐT năm 2019 cũng cho thấy có sự khác biệt đáng kể về tỷ số giới tính giữa các vùng. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là hai vùng có tỷ số giới tính cao nhất, tương ứng là 100,9 nam/100 nữ và 101,7 nam/100 nữ; trong khi đó, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ số giới tính thấp nhất, 97,8 nam/100 nữ.

BÀI 13: NGUỒN LAO ĐỘNG

Bài 1:

Xuất khẩu lao động ở Việt Nam

Hiện nay, có khoảng 500.000 lao động nước ta đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những nước, vùng lãnh thổ nhận số lượng lớn lao động Việt Nam như: Malaysia, Đài Loan và Hàn Quốc. Chỉ tính từ năm 2001 đến nay, bình quân mỗi năm nước ta đã đưa được khoảng trên 60.000 lao động, riêng trong 5 năm trở lại đây con số đó là gần 80.000 lao động, chiếm hơn 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm. Ngoài ra, hiện nay có 80 chuyên gia giáo dục làm việc tại các cơ sở đào tạo của Angola, 200 chuyên gia y tế làm việc tại Algeria, Mozambique và Angola, 65 chuyên gia nông nghiệp làm việc tại một số quốc gia Châu Phi trong khuôn khổ hợp tác 3 bên giữa Việt Nam – FAO và các nước này. Nhu cầu nhận chuyên gia ở khu vực còn lớn, chúng ta cần nghiên cứu để có chính sách đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy hoạt động này.

Số lao động này hàng năm đã gửi về nước một lượng ngoại tệ đáng kể, đưa xuất khẩu lao động ở Việt Nam trở thành một trong các ngành gia nhập “câu lạc bộ” 1 tỷ USD (bình quân từ năm 1999 đến năm 2003, số ngoại tệ các lao động gửi về đạt trên 1,5 tỷ USD/năm). Nguồn thu nhập cao từ hoạt động xuất khẩu lao động của người lao động đã góp phần cải thiện đời sống gia đình và thân nhân họ, giúp nhiều gia đình trở nên khá giả, nhiều lao động sau khi về nước đã trở thành các nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp, tạo việc làm cho một bộ phận lao động khác, đóng góp vào sự phát triển và ổn định kinh tế xã hội.

Theo dazpro.com

BÀI 14: CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO

Bài 1:

TAM GIÁC VÀNG VIỆT NAM – LÀO – CAM PU CHIA

Phóng viên: Thưa anh, Việt Nam – Lào – Campuchia là 3 nước có biên giới liền sát nhau và có một cột mốc biên giới chung, vậy anh có nhận xét như thế nào về mối quan hệ ngoại giao với Lào và Campuchia của Việt Nam ?

Phương: Tôi cho rằng thành tựu lớn nhất về mối quan hệ ngoại giao trên chính là tam giác phát triển(CLV ) thể hiện một cơ chế hợp tác rất hiệu quả giữa ba nước láng giềng. Đây là một hợp tác phi quân sự giữa ba nước. Từ lâu nay 3 nước đã có truyền thống hợp tác chặt chẽ trong cuộc đấu tranh độc lập dân tộc và ngày nay 3 nước lại khẳng định khả năng liên kết vì sự phồn thịnh của nhân dân mình. Quả là đáng tự hào khi không phải nói đâu xa, chưa bao giờ người dân trong khu vực Bán Đảo Đông Dương lại được tự do di chuyển và miễn thị thực như bây giờ. Bên cạnh đó khách du lịch từ các nước qua lại đã đóng góp không nhỏ cho nền kinh tế của 2 nước bạn và của Việt Nam 

Phóng viên: Là nền kinh tế nổi trội hơn cả trong khu vực, Việt Nam đã có những đó góp gì đối với cơ chế hợp tác CLV ?

Phương: nước có nền kinh tế vượt trội hơn, Việt Nam luôn giữ vai trò chủ động dẫn dắt trên tinh thần bình đẳng, coi trọng nghĩa tình. Hiện nay, doanh nghiệp Việt Nam đã có 183 dự án đầu tư tại Lào Và 258 dự án đầu tư tại Campuchia. Việt Nam đã hỗ trợ hai nước bạn trên nhiều lĩnh vực y tế, giáo dục góp phần tạo nên sự thịnh vượng của tam giác phát triển.

Phóng viên: Để nói về thành tựu của CLV, ông hãy đưa ra những con số để chứng minh kết quả của quá trình hợp tác này ? 

Phương: Mối quan hệ hợp tác 3 nước không phải  là một sớm một chiều mà đây là mối quan hệ khăn khít gắn bó chặt chẽ lâu dài. Nhờ hợp tác CLV tạo sự kết nối toàn diện, GDP của khu vực Tam giác phát triển đạt mức 9-10% trong năm 2016, cao hơn tốc độ phát triển bình quân ba nước. Vì vậy nhà nước ta sẽ có kế hoạch chủ động trong từng diễn biến,  tình huống cụ thể đối với CLV trong những năm tới đây. 

Phóng viên: Xin cảm ơn ông về buổi phỏng vấn ngày hôm nay. 

BÀI 15: ÔN TẬP 3

Bài 1:

Rừng Việt Nam là một dự án cộng đồng được Hà Anh Tuấn chính thức công bố trên sân khấu của TRUYỆN NGẮN Concert tại Hà Nội vào tháng 10/2019. Theo kế hoạch, ê-kíp của nam ca sĩ cam kết sẽ thực hiện trồng và nuôi dưỡng 2 cánh rừng đầu tiên trong năm 2020. Nguồn kinh phí hoạt động được trích ra từ những sản phẩm và hoạt động nghệ thuật.

Ca sĩ nói: “Tôi nghĩ thêm một người bắt tay trồng cây thì có thể góp một phần giúp mọi người chống bão lũ, bảo vệ môi trường, thiên nhiên”. Anh cùng êkíp triển khai Rừng Việt Nam từ đầu năm nhưng bị gián đoạn một thời gian vì dịch. Ca sĩ hợp tác lực lượng thanh niên của các tỉnh đoàn, kiểm lâm để thực hiện dự án.

Hồi tháng 8, anh trồng cây tại rừng ở Tiểu khu 227A, xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, gồm 1.500 cây mai anh đào, hỗ trợ chăm sóc toàn bộ cây thông ba lá đang tái sinh tự nhiên trên diện tích 23.000 m2. Cánh rừng thứ hai được anh triển khai tại Tiểu khu 64, bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng trong tháng 10, với 305 cây gồm các loại: sao đen, dầu rái, chò đen… trên diện tích 2.500 m2.

Hà Anh Tuấn luôn bày tỏ tình yêu với rừng. Dự án See, Sing, Share mùa 4 được quay hầu hết trong bối cảnh rừng. “Xung quanh tôi là một cánh rừng xanh. Với tôi, cây chính là ta. Ngay cả khi chúng ta rất bội bạc với rừng, với cây thì rừng và cây luôn giống như một người tình khoan dung, mở rộng vòng tay đón chúng ta về khi lạc lối”, ca sĩ nói khi hát bài Khúc hát chim trời.

Ca sĩ và ê-kíp có niềm tin mãnh liệt rằng, từ những cây non mà họ trồng sẽ tạo thành những cánh rừng trong tương lai. Theo Hà Anh Tuấn, việc trồng rừng cần được triển khai, nhân rộng trong bối cảnh miền Trung chịu tác động nghiêm trọng của thiên tai. Từ thông tin về hậu quả đau xót mà người dân miền Trung phải chịu, anh càng thêm vững tin vào hoạt động của mình. 

Dự án Rừng Việt Nam sẽ được Hà Anh Tuấn và ê-kíp phát triển ở những địa phương khác; đồng thời với việc phối hợp cùng cơ quan chức năng các địa phương trước để theo dõi, chăm sóc và nuôi lớn những cánh rừng đã trồng.

Bài 2:

Bài thơ Đất nước

Sáng mát trong như sáng năm xưa

Gió thổi mùa thu hương cốm mới

Tôi nhớ những ngày thu đã xa

Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xác hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy.

Mùa thu nay khác rồi

Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi

Gió thổi rừng tre phấp phới

Trời thu thay áo mới

Trong biếc nói cười thiết tha!

Trời xanh đây là của chúng ta

Núi rừng đây là của chúng ta

Những cánh đồng thơm mát

Những ngả đường bát ngát

Những dòng sông đỏ nặng phù sa

Nguyễn Đình Thi

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *