Menu Close

Phụ lục Nghe_Trình độ C1_SBT C1

BÀI 1: CHỮ QUỐC NGỮ

Bài 1:

Tiếng Việt là ngôn ngữ của người Việt (người Kinh) và là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam. Đây là tiếng mẹ đẻ mà 85% dân số Việt Nam sử dụng. Ngay cả các dân tộc thiểu số khác cũng dùng tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai. Cách đây hơn 1000 năm, do sự xâm lược của Trung Hoa nên chữ Hán có ảnh hưởng lớn ở Việt Nam. Nhưng từ khi Pháp xâm lược, những người phương Tây mang chữ La tinh đến Việt Nam. Từ đó, người Việt sáng tạo ra chữ Quốc ngữ với 27 chữ cái và 6 thanh điệu. 

Chữ Quốc ngữ đơn giản, tiện lợi và có tính khoa học, dễ học, dễ nhớ nên càng ngày càng phổ biến. Vì vậy, chữ Quốc ngữ đã thay thế chữ Hán. Cho đến bây giờ, chữ Quốc ngữ đã trải qua nhiều sự biến đổi và thường gọi là tiếng Việt. Nếu bạn muốn chiêm ngưỡng văn bản chữ Quốc ngữ đầu tiên thì hãy đến nhà thờ Mằng Lăng ở tỉnh Phú Yên. Ở đây vẫn còn lưu giữ cuốn sách tiếng Việt đầu tiên được in vào năm 1651.

Tiếng Việt có sự thay đổi ở giọng nói từ Bắc vào Nam. Mỗi vùng miềngiọng nói đặc trưng, trong đó có 3 loại chính: giọng Bắc, giọng Huế và giọng Sài Gòn. Thanh ngã và thanh hỏi ở miền Bắc rõ hơn miền Nam và miền Trung. Miền Bắc sử dụng một số âm (tr, ch, n, l…) khác với miền Nam và Trung. Giọng Huế khó hiểu hơn những giọng khác vì có nhiều từ địa phương. Ngoài ra, còn có sự khác nhau về từ vựng ở các vùng miền. Ví dụ như người miền Nam nói là “quả thơm” mà không nói là “quả dứa” như người miền Bắc.

BÀI 3: PHONG TỤC TRUYỀN THỐNG

Bài 1: 

Trong thời gian sống ở Việt Nam em đã có nhiều trải nghiệm về văn hoá, nhưng ấn tượng nhất với em là văn hoá thờ Thần Tài ở những cửa hàng kinh doanh. Trong nhà hàng, quán café,…em luôn nhìn thấy bàn thờ nhỏ ở góc cửa hàng, gần cửa ra vào. Trên bàn thờ thường có bánh kẹo, hoa quả, thuốc lá và rượu. Ở Hàn Quốc không có văn hoá này. Khi đó em rất tò mò vì bàn thờ thường đặt ở nơi thanh tịnh nhưng sao bàn thờ này đặt ở nơi không sạch sẽ và ồn ào như vậy. Sau đó, em hỏi cô giáo và được biết rằng đây là bàn thờ Thần Tài. Phong tục này bắt nguồn từ một câu chuyện của Trung Quốc. Bàn thờ này đặt gần cửa với hi vọng thần tài sẽ mang đến nhiều tài lộc cho cửa hàng.

BÀI 4: VĂN HỌC VIẾT NAM

Bài 2: 

Bài hát Bống bống bang bang

Ngày xưa xưa ơi là xưa

ở một nơi đồng quê bát ngát

Nhà kia có hai chị em

Tên được cha đặt là Tấm Cám

Từ thuở ấu thơ Tấm đã mơ về hơi ấm tay mẹ

Sẽ có ngày tấm thân này

Tìm ra lối thoát về nơi ấm êm

Sinh ra trong gia đình

Vô tâm không thương mình

Thương thay cho thân phận đời cô Tấm

Vui chơi hay sa đà

Rong chơi hay la cà

Không quan tâm ai

Trời ơi con Cám

Lừa Tấm lấy hết cá tôm

Một mình Cám ấp ôm chiến công về nhà

Tấm ơi chớ lo. Hạnh phúc sẽ đến với người thật thà

BÀI 7: CHỮ HIẾU

Bài 1:

Chữ “hiếu”trong đời sống tâm linh người Việt

“Hiếu” được hình thành từ xa xưa, gắn liền với phong tục thờ cúng tổ tiên, về sau được Nho giáo phát triển và thể chế hoá thành chuẩn mực đạo đức. Về cơ bản, nội dung phạm trù “hiếu” mang một ý nghĩa tích cực, đó là bổn phận làm con phải có hiếu với cha mẹ.

Trong việc thực hành đạo hiếu, người Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, song đạo hiếu ở Việt Nam vẫn có nét đặc sắc riêng, không hà khắc và cứng nhắc như trong quan niệm của Nho giáo. Khi đạo Phật du nhập vào Việt Nam, chắc hẳn người Việt đã có tín ngưỡng thờ cúng ông bà, tổ tiên, còn gọi nôm na là ‘đạo’ thờ ông bà hay ‘đạo’ hiếu. Không thấy có sử liệu xác chứng tục thờ cúng này có từ khi nào.

Trong Đại Việt sử ký toàn thư có nói nhiều về việc người Việt thờ kính các anh hùng dân tộc như Phù Đổng Thiên Vương đã có công dẹp trừ ngoại xâm; và hình thức thờ cúng tế lễ có những điểm tương đồng với ‘đạo’ thờ kính tổ tiên. Phong tục này là một nét văn hóa đặc thù của người Việt và đã được ví như là một loại ‘đạo’ làm người . ‘Sống vì mồ mả, không sống vì cả bát cơm’ là tập tục nói lên tinh thần ‘uống nước nhớ nguồn’ của người Việt dù tổ tiên ông bà vẫn còn hay đã khuất bóng. Từ những ngày khổ đau như tang ma đến những ngày vui mừng như lễ tết… trong gia đình, dòng tộc tổ tiên ông bà luôn luôn được mời gọi, đón chào về sum họp cùng con cháu để sẻ chia.

Ngoài ra, tập tục cũng bao gồm ông bà, cha mẹ còn sống cũng phải được kính trọng như khi đã mất. Đôi khi có sự hiểu lầm là việc thờ kính tổ tiên, ông bà chỉ dành cho người đã chết. Kính trên, nhường dưới là một nét đẹp đặc thù khác trong văn hóa Việt Nam. Có liên quan mật thiết đến tinh thần ‘kính lão đắc thọ’, kính trọng các bậc bô lão, các người lớn tuổi hơn mình, không những trong gia tộc mà còn ngoài xã hội. Ông, bà, cha, mẹ, anh, em, con, cháu, nội, ngoại hai bên, hoặc những người lớn tuổi, cao niên v.v… phải được nói năng, xưng hô cho đúng lễ trên dưới.

Trong dòng máu và các tế bào đang hoạt động trong cơ thể chúng ta, mình cảm nhận được sự hiện hữu của tổ tiên. Do vậy việc thờ kính mang ơn là điều tất yếu của một con người biết ‘ăn quả, nhớ kẻ trồng cây’. Trong quan niệm của Phật giáo, hiếu đạo cũng được đề cao. Đức Phật luôn dạy rằng, con người cần ăn ở hiền lành, tu nhân, tích đức, cứu khổ, cứu nạn; những việc làm xuất phát từ lòng hiếu thảo mang lại lợi ích thiết thực cho cha mẹ trong hiện tại và tương lai. Bất hiếu là tội lớn nhất trong hành vi, lẽ sống của mỗi con người. Người nào chẳng đối xử tốt với cha mẹ của họ, thì khó có thể sống tốt, sống thiện với người khác được; bất hiếu thì cũng bất nhân.

Theo Sơn Bình, baophapluat.vn

BÀI 8: VĂN HÓA TRÀ

Bài 1:

Một anh chàng nát rượu đi bằng hai tay vào quán rượu. Anh ta gọi to:

– Chủ quán đầu, rót cho ta cốc “quốc lủi”.

Chủ quán hỏi:

– Sao hôm nay ông đi bằng hai tay như vậy?

– Ờ , là vì tối qua, vợ tôi bắt tôi thề từ nay về sau không được bước chân vào quán rượu nữa. Tôi phải giữ lời thề chứ!

BÀI 10: ÔN TẬP 2

Bài 1:

Xu hướng quay trở lại sử dụng thảo dược thiên nhiên trên toàn thế giới

Gần đây, trên thế giới đã có xu hướng quay về sử dụng các sản phẩm thảo dược trong việc phòng bệnh, cải thiện sức khỏe và điều trị những bệnh mãn tính.

Thuốc Tây y – con dao 2 lưỡi

Thuốc Tây Y hầu hết là các chất hóa học tổng hợp. Những chất này có 2 mặt:

  • Tác dụng có lợi: có thể điều trị bệnh.
  • Tác hại: gây ra những tác dụng không mong muốn cho người bệnh (tác dụng phụ)

Sử dụng thuốc Tây lâu dài hay dùng quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến gan và thận. Vì vậy, đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính, phải điều trị dài ngày với nhiều loại thuốc khác nhau thì việc sử dụng thuốc Tây Y phải rất cẩn thận. Phải làm theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và phải kiểm tra gan thận định kỳ.

Xu hướng sử dụng thuốc có nguồn gốc thảo dược

 Thuốc thảo dược có những ưu điểm riêng. Nổi bật là:

  • Hiệu quả đáng tin cậy, ít tác dụng không mong muốn
  • Hầu hết các thuốc trong đông y đã được sử dụng từ rất lâu. Những thuốc      độc hại hay thiếu an toàn đều đã bị loại bỏ.
  • Vì có nguồn gốc tự nhiên nên các thuốc này thường không có tác dụng phụ hoặc rất ít tác dụng phụ. Nhiều thuốc có thể sử dụng trong một thời gian dài mà không hại cho cơ thể cũng như không xuất hiện tình trạng kháng thuốc.
  • Một số thuốc có hiệu quả đặc biệt, vượt trội so với thuốc Tây y.

Tuy nhiên thuốc  Đông y cũng có nhược điểm:

  • Thứ nhất là không thuận tiện khi sử dụng. 
  • Thứ hai là chất lượng không ổn định. 
  • Đặc biệt là trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thảo dược nguồn gốc không rõ ràng…

Chính vì thế, việc kết hợp các loại thảo dược thiên nhiên với công nghệ hiện đại đang là xu hướng của ngành Dược thế giới nói chung và ngành Dược Việt Nam nói riêng.

BÀI 14: CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO

Bài 1:

Ngày 24/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã trao đổi với báo chí về những thành tựu nổi bật của ngành Ngoại giao Việt Nam trong năm 2020- năm đặc biệt với nhiều biến động khó lường trên thế giới, trong khu vực và chia sẻ những nội dung trọng tâm của công tác đối ngoại năm 2021.

(giọng nữ) Xin Phó Thủ tướng cho biết những trọng tâm, định hướng lớn của đối ngoại Việt Nam năm 2021?

Dự báo tình hình thế giới và khu vực năm 2021 có lẽ sẽ tiếp tục biến động, trong đó có dịch COVID-19. Đây là những thách thức đối với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam. Đồng thời, chúng ta cũng nhìn nhận có rất nhiều cơ hội cho phát triển xu thế hòa bình, mong muốn hòa bình. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển, trong đó kinh tế số, những vấn đề liên quan đến công nghệ cao là những cơ hội phát triển phương thức hoạt động mới cho đối ngoại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, đối ngoại Việt Nam năm 2021 sẽ tiếp tục củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác, đặc biệt là các đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước láng giềng.

Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục chủ động hội nhập quốc tế thông qua các hoạt động tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong ASEAN, Việt Nam thúc đẩy phát huy những kết quả của năm Chủ tịch vừa qua, duy trì đà phát triển ASEAN, những sáng kiến, những nội dung của ASEAN trong năm 2020.

Việt Nam đã tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do và tiếp tục sẽ có các hiệp định thương mại tự do được phê chuẩn. Vì vậy phải làm sao thực thi một cách hiệu quả, tận dụng được các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mang lại là nhiệm vụ chung cho tất cả các bộ, ngành, không chỉ riêng ngành đối ngoại.

Nhiệm vụ quan trọng nhất, đó là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ độc lập, chủ quyền biển đảo của đất nước. Đó là mục tiêu lớn, xuyên suốt của ngành Ngoại giao Việt Nam trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

Cuối cùng, trong bối cảnh dịch bệnh còn nhiều diễn biến phức tạp, công tác bảo hộ công dân cũng sẽ là một trọng tâm của ngành Ngoại giao trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng! 

Theo http://tuyengiao.vn/thoi-su/ngoai-giao-viet-nam-2020

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *