Menu Close

Phụ lục Nghe_Trình độ C2_SBT C2

BÀI 1: PHONG TỤC NGÀY TẾT

Bài 1:

10 điều ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Đán

Đối với người Việt Nam, Tết Nguyên Đán là thời khắc giao hòa giữa năm cũ và năm mới, là sự khởi đầu cho những dự định, ước mơ mới. Đồng thời, Tết còn là những ngày người Việt ta hướng về cội nguồn, tổ tiên cũng như tụ họp, sum vầy gia đình. Sau đây là 10 ý nghĩa quan trọng nhất của ngày Tết Nguyên Đán. Mời các bạn cùng tìm hiểu.

  1.   Ngày giao hòa

Ngày Tết Nguyên Đán mang ý nghĩa nhân văn vô cùng sâu sắc, được xem là một ngày tốt đẹp, là dịp giao hòa giữa trời đất, con người với thần linh. Do đó, nhiều người tin tưởng rằng những ý nghĩ, mong ước, hành động của mình sẽ được các vị chư thần nghe thấy, thấu hiểu và ban cho phuớc lành. Vì vậy, trong ngày Tết Nguyên Đán mọi người thường làm việc thiện như: tặng quần áo mới, chia sẻ miếng ăn, giúp đỡ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

  1.             Ngày đoàn viên

Tết Nguyên Đán là một dịp nghỉ có lẽ là dài nhất trong năm. Vì vậy, mọi người có thời gian tạm gác công việc chính, về quê thăm gia đình, cùng sum họp đoàn viên bên nhau sau một năm dài xa cách bôn ba vì miếng cơm manh áo. Những khoảnh khắc sum vầy đoàn tụ thành viên trong gia đình thật quý báu và hạnh phúc làm cho ngày Tết Nguyên Đán càng thêm ý nghĩa.

  1.             Ngày hướng về cội nguồn

Truớc khi tết đến, vào những ngày cuối năm, mọi nhà có tập tục tảo mộ là để tưởng nhớ đến những người đã mất. Sau đó, đến đêm giao thừa, trên bàn thờ của ông bà tổ tiên luôn nghi ngút khói hương thể hiện sự hướng về nguồn cội của thế hệ đi sau dành cho thế hệ đi trước qua hình thức rước ông bà. Trong những ngày tết chúng ta thường thấy trên bàn thờ ông bà tổ tiên luôn đầy ắp bánh mứt, trái cây, mâm xôi, đĩa thịt nói lên được lòng kính yêu, hiếu đạo vốn có của người Việt ta.

  1.             Ngày rước tài lộc

Ngày Tết Nguyên Đán được nhiều người quan niệm là ngày ông Thần Tài gõ cửa từng nhà để ban tiền tài, sự thịnh vượng, sung túc. Vì vậy, đây là dịp để mọi người tranh thủ mở rộng cửa rước tài lộc vào nhà, rước những điều may mắn tốt đẹp, giàu có nhất từ ông Thần Tài. Nhiều gia đình thường mở cửa suốt ngày để chào đón niềm vui, sự phấn khởi cùng những hy vọng tiền tài, của cải đầy ắp.

  1.             Ngày khởi nghiệp

Ngày Tết đánh dấu sự khởi đầu cho cả một năm dài với những cơ hội, thử thách và sự vận hành mới. Nhiều người thường đi xem giờ tốt, ngày lành, tháng tốt để khởi nghiệp, khai trương cho công việc trong năm mới với hy vọng may mắn, thuận lợi, thành công hơn năm cũ. Vì vậy, ngày Tết mang ý nghĩa không kém phần quan trọng cho sự khởi đầu của công việc trong năm mới.

  1.             Ngày may mắn

Nhiều người quan niệm rằng những ngày đầu năm thường là những ngày may mắn, tốt đẹp. Sự may mắn ấy hòa quyện trên những cánh hoa mai, hoa đào, trên những chiếc lá non xanh, trên những mâm ngũ quả. Vì vậy, nhiều người thường ngắt một vài cành hoa tươi mang về với hy vọng thu thập được sự may mắn của mùa xuân.

  1.             Ngày cầu duyên

Trong tâm tuởng của nhiều người ngày Tết cũng là ngày ông Tơ bà Nguyệt, ông Mai bà Mối se duyên cho những người còn đang độc thân, dang dở trong chuyện tình cảm. Hòa trong không khí sum họp, vui tươi của mùa xuân là niềm hân hoan, hạnh phúc lứa đôi của những mối lương duyên cầu được ước thấy. Chính vì ngày Tết thường là ngày cầu duyên, nên duyên đẹp đôi nên ở nhiều nơi chúng ta không những được nghe bao câu hát xuân nhộn nhịp mà còn rất phấn khích bởi các bài nhạc đám cưới náo nức, tưng bừng, rộn vang.

  1.             Ngày của sự thay đổi

Người Việt Nam ta tin rằng ngày Tết Nguyên Đán khởi đầu cho một năm mới, là ngày của sự đổi mới với những niềm tin mới, tạm biệt những quá khứ của năm cũ. Vì vậy, mọi người thường tân trang lại nhà cửa cho thật sạch đẹp, ngăn nắp, mới mẻ để chào đón cái mới của năm mới. Những gì không may mắn, không thuận lợi của năm cũ sẽ được xua đi để đón nhận những điều lạc quan, đầy hy vọng, đầy đẹp tươi trong năm mới đến.

  1.             Ngày yêu thương

Ngày Tết Nguyên Đán là cơ hội để mọi người thể hiện sự yêu thương, quan tâm lẫn nhau, gửi đến nhau những lời chúc chân thành, tốt đẹp nhất. Hiển nhiên, vào những ngày này, người lớn nên hạn chế la rầy trẻ em, hạn chế cãi vã nhau để tạo nên một không gian thuận hòa, gần gũi, nồng ấm, trọn vẹn nhất. Những hiềm khích, mâu thuẫn nên tạm gác lại để thay bằng những lời thân thương ấm lòng nhau nhằm tạo cho nhau sự thiện cảm, chan hòa cho cả một năm mới đến. 

  1.         Ngày của sự tạ ơn

Người Việt Nam ta thường chọn ngày Tết là ngày của sự tạ ơn. Hòa trong không gian sum vầy, ấm cúng, hân hoan, con cái tạ ơn sinh thành dưỡng dục của bố mẹ; cha mẹ tạ ơn tổ tiên qua đĩa thịt, mâm ngũ quả; nhân viên cảm ơn cấp trên qua những lời chúc chân thành, kính trọng; lãnh đạo cũng cảm ơn nhân viên qua những buổi tiệc chiêu đãi hoặc quà thưởng tết.

Theo Top Việt Nam

BÀI 4: BÌNH ĐẲNG GIỚI

Sách giáo khoa – Vật cản vô hình của bình đẳng giới

Phóng viên: Khi còn là học sinh cấp 1, Minh Hằng từng có ước mơ làm cô giáo như bao bạn bè đồng trang lứa chỉ vì hình ảnh này xuất hiện nhiều lần trong sách giáo khoa.

Em Vũ Minh Hằng (Hà Nội): Hồi cấp 1, em rất là thích làm cô giáo. Bởi vì là trong sách giáo khoa những cái quyển tiếng Việt là có những hình ảnh cô giáo rát là xinh đang dạy các em học sinh. Sau này em lớn lên thì em nhận ra rằng, em thích làm cô giáo chỉ vì những hình ảnh thu hút em ở trong sách giáo khoa. 

Phóng viên: Hình minh họa trong sách vốn là để giúp học sinh tiếp thu bài một cách dễ dàng, nhất là ở độ tuổi nhỏ. Tuy nhiên, nhiều hình ảnh lại thường được gắn cố định với một giới tính nào đó như một thói quen khiến cho ấn tượng của các học sinh về công việc của từng giới tính cũng dần xuất hiện.

Em Đinh Trung Kiên (Hà Nội): Con trai thường thường sẽ vẽ hình minh họa bác sĩ, kỹ sư, còn con gái thì sẽ làm những cái nghề, ví dụ như là nội trợ, hoặc là làm bếp, giáo viên.

Em Hoàng Phương Uyên (Hà Nội): Con thấy hình ảnh của nam giới nhiều hơn hình ảnh của nữ giới ạ.

Một giáo viên phổ thông: Những cái sự xuất hiện của hình ảnh nam giới và nữ giới trong sách giáo khoa về các nghề khác nhau tạo ra một khuôn mẫu, tạo ra một định kiến trong việc lựa chọn nghề. Để rồi sẽ dẫn đến các hậu quả như: các em nam thì sẽ không được lựa chọn ngành này, phải lựa chọn ngành kia, các em nữ phải lựa chọn ngành này, không được lựa chọn ngành khác. 

Phóng viên: Thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trên 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học, từ lớp 1 đến lớp 12, có gần 8300 nhân vật xuất hiện, nhưng chỉ có 24% là nữ giới, 7% là trung tính, còn nam giới chiếm tới 69%. Những ví dụ trong sách giáo khoa về những nhân vật quan trọng, nổi tiếng có tới 95% là nam. Sách giáo khoa tiếng Việt lớp 2 và lớp 3, chỉ có 9 trên tổng số 61 tác giả được trích dẫn và nhắc đến là phụ nữ. Còn sách Giáo dục công dân lớp 9, nữ nhân vật chỉ xuất hiện 5/20 trường hợp, còn lại vẫn là nam.

Nhà văn Hoàng Anh Tú: Trong sách giáo khoa hay thậm chí là kể cả văn thơ, trong khá nhiều những cái gọi là bài học ở trong sách giáo khoa, từ trước đến nay, mọi người mới chỉ nhìn thấy một cái chuyện là, à đây là một bài thơ hay, đây là một cái hình ảnh đẹp, đây là một cái câu chuyện thú vị mà mọi người quên mất rằng là ở trong đó nó còn ẩn chứa khá nhiều những cái vấn đề về giới tính. Cho nên là, khi mà mọi người biên soạn những cái cuốn sách như thế thì tôi nghĩa rằng là bản thân mọi người đã có những cái bất ổn. 

Phóng viên: Tính đến thời điểm hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình phê duyệt bộ sách giáo khoa được biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Những định kiến về bình đẳng giới trong bộ sách giáo khoa cũ sẽ được điều chỉnh để tạo sự cân bằng giữa nam và nữ.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Độ (Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo): Sách giáo khoa hiện nay là một trong những cuốn sách mà mang tính chuẩn mực rất cao, mà đặc biệt là sự phối hợp, sự thống nhất các luật pháp của Việt Nam như luật bình đẳng giới rồi các luật khác. Cho nên, cần được kiểm soát một cách thật là kỹ càng. Sau khi Hội đồng thẩm định đã thẩm định rồi, trước khi trình Bộ trưởng phê duyệt thì chúng tôi một lần nữa rà soát lại các tính pháp lý của cuốn sách này để đảm bảo làm giảm những cái sạn một cách tối đa.

Phóng viên: Những định kiến trong sách giáo khoa cũng bắt nguồn từ những suy nghĩ đóng đinh về trọng nam khinh nữ còn tồn tại ở mỗi cá nhân và trong gia đình. Và nó tiếp tục truyền lại cho các thế hệ tiếp sau một phần cũng từ những gì các em nhỏ được nhìn và học hàng ngày.

BÀI 5: ÔN TẬP 1

Bài 1:

Lòng yêu nước của dân tộc Việt Nam từ lâu đã trở thành điểm cốt lõi của

bản sắc (1) văn hóa Việt Nam, tạo nên sức mạnh chống giặc ngoại xâm. Lòng yêu

nước cũng là một trong những truyền thống (2) tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Chính nhờ truyền thống ấy mà dưới ách đô hộ hơn một nghìn năm của phong kiến

phương Bắc, dân tộc ta đã không bị khuất phục, không bị đồng hóa mà liên tiếp

dựng cờ khởi nghĩa (3) chống quân xâm lược.

Chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền đã mở ra thời kỳ độc lập

thật sự cho dân tộc. Mặc dù, sau đó, nước Việt liên tiếp phải đối mặt với các cuộc

chiến chống giặc ngoại xâm (4) nhưng với tinh thần bất khuất và ý chí kiên cường,

ông cha ta đã nhiều lần đánh thắng những kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn nhiều lần

như: nhà Tiền Lê, nhà Lý chống quân xâm lược Tống, nhà Trần ba lần chống quân

Mông – Nguyên,… thông qua các cuộc chiến tranh (5) chống giặc ngoại xâm,

lòng yêu nước đã trở thành sợi dây kết nối toàn dân tộc, gắn bó cộng đồng để cùng

nhau bảo vệ lãnh thổ, (6) bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Trong lời kêu gọi toàn

quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn “Chúng ta thà hy sinh (7) tất

cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

          Lịch sử thành văn của dân tộc Việt Nam rất hiếm hoi, nhưng không vì thế

mà các vua Hùng, Hai Bà Trưng, Bà Triệu, các triều đại: Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý,

Trần… bị lãng quên (8) trong mỗi người dân Việt Nam. Trái lại, càng ít sử liệu thì

những quá khứ hào hùng ấy càng bám sâu vào tâm trí của các thế hệ (9) người

Việt Nam và được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

Trong mỗi thời kỳ lịch sử, lòng yêu nước luôn có những biểu hiện riêng,

nhưng mục đích duy nhất là bảo vệ và gìn giữ bờ cõi non sông đất nước, bảo vệ

nền độc lập (10) dân tộc.

BÀI 6: THỂ THAO

Bài 1:

Chèo thuyền SUP môn thể thao dưới nước

Người dẫn chương trình: chèo thuyền SUP là từ viết tắt của stand up paddle boarding là tên gọi của một môn thể thao dưới nước bắt nguồn từ quần đảo Hawaii. Để chơi môn chèo thuyền SUP này người chơi sẽ phải dùng mái chèo dài khoảng hơn 2 mét tùy theo chiều cao của cơ thể để chèo một tấm ván dài trên mặt nước.

Người được phỏng vấn: Bộ môn này được biết đến với cái câu slogan rất là

phổ biến đó là: “freedom on water” nghĩa là sự tự do trên mặt nước. Nó cho

người ta cái cảm giác một cái sự tự do nó giống như mình đang bước trên mặt

nước, đứng trên mặt nước và mình chèo.

Người dẫn chương trình: SUP có điểm mạnh là bạn có thể đứng ngồi tùy ý

hoạt động tự do không gò bó, ngoài ra lại dê dàng trao đổi tham gia các trò chơi

trên mặt nước hơn là các môn chèo thuyền khác, do đó môn thể thao này không

làm khó những người chơi là phái yếu

Người được phỏng vấn: Mình nghĩ rằng là nữ giới và nam giới cũng giống

nhau thôi, với môn này và với tất cả các môn thể thao khác đó là mình có thích

hay không mới là quan trọng. Nếu mình thích rồi thì cái gì mình cũng làm được

chứ không khó khăn gì, tại vì tất cả các môn thể thao đều cần đó là sức bền và

cố gắng luyện tập.

Người dẫn chương trình: Tuy nhiên người chơi SUP cũng cần chú ý tới việc

đảm bảo sự an toàn cho bản thân, đặc biệt là đối với những người lần đầu học

chèo thuyền SUP.

Người được phỏng vấn: Thứ nhất là phải học, người mới chơi thì cần phải có

một cái kiến thức căn bản. Thứ hai là phải có áo phao, có cái thiết bị nó gọi là

cái dây buộc chân, rồi sau đó thì khi chơi mới, mới bắt đầu chơi thì mình phải

có bạn chơi cùng chứ nếu mà một mình chơi thì nó sẽ khá là nguy hiểm và nữa

là mình cũng cần phải có kiến thức về cái địa điểm mình chơi.

Người dẫn chương trình: Không chỉ đem lại cảm giác thư thái, thoải mái, tạm

tránh xa nhưng ồn ào khói bụi của thành phố, thay vào đó là cảm giác lướt nhẹ

trên mặt nước bao la trong không gian tĩnh lặng, chèo thuyền SUP còn mang lại

lợi ích về sức khỏe, chèo thuyền SUP sẽ không khó trở thành môn thể thao dưới

nước được ưa chuộng tại thủ đô.

BÀI 11: THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI 

Bài 1:

Với tổng vốn đầu tư 7,5 tỷ USD, Singapore hiện đã trở thành đối tác đầu tư số 1 của Việt Nam, tiếp sau là những cái tên quen thuộc như Hàn Quốc đứng thứ 2 với 3,42 tỷ USD, Trung Quốc thứ 3 với 2,17 tỷ USD. Nhật Bản lui xuống vị trí thứ 4 và thứ 5 là Đài Loan (Trung Quốc). Sở dĩ có sự thay đổi ở vị trí dẫn đầu, bởi lẽ Singapore là nơi tập trung rất nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia.

“Singapore không chỉ là 1 đất nước mà còn là hub của cả thế giới tại khu vực Châu Á. Rất nhiều tập đoàn lớn khi đầu tư ở Việt Nam, khi đàm phán tìm hiểu là công ty mẹ, còn khi làm hồ sơ đầu tư vào Việt Nam, lại là danh nghĩa công ty Singapore, nên trong số 7,5 tỷ USD này chỉ 1 phần là công ty Singapore, còn lại rất nhiều là các công ty đa quốc gia có trụ sở tại Singapore”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho hay.

Còn với các đối tác truyền thống, dù số vốn đăng ký đầu tư giảm do ảnh hưởng chung bởi dịch COVID-19, nhưng họ vẫn rất quan tâm đến thị trường Việt Nam. Thậm chí giai đoạn này chất lượng các dự án còn được đầu tư hơn. Trong 10 tháng đầu năm, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 10,7 tỷ USD, chiếm hơn 45,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với

tổng vốn đầu tư hơn 4,8 tỷ USD, chiếm 20,5% tổng vốn đầu tư đăng ký, tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 3,5 tỷ USD và 1,4 tỷ USD, còn lại là các lĩnh vực khác.

Mới đây, chính phủ Nhật Bản cũng đã chọn ra 15 doanh nghiệp để hỗ trợ đầu tư vào Việt Nam. Hiện gói hỗ trợ này đã kết thúc ở giai đoạn 1 và đang triển khai giai đoạn 2 và 3. Theo Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (Jetro), Ông Takeo Nakajima: “Chính phủ Nhật Bản đã quyết định triển khai gói hỗ trợ phát triển đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Khi thực hiện chương trình đó, các doanh nghiệp của Nhật Bản, thay vì sẽ sản xuất 100 sản phẩm ở Trung Quốc, giờ 50 sản phẩm sẽ được sản xuất ở Việt Nam, hoặc những sản phẩm đang được sản xuất ở Trung Quốc cũng đồng thời được sản xuất ở Việt Nam. Như vậy việc đảm bảo cho chuối cung ứng cũng sẽ tốt hơn.”

Để chuẩn bị đón các dòng vốn đầu tư mới này, Việt Nam cũng đang rà soát lại các vấn đề liên quan đến đất đai công nghiệp, đẩy nhanh quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Đồng thời sửa đổi 1 loạt các luật liên quan đến đầu tư kinh doanh cũng như đưa ra 1 loạt ưu đãi đặc biệt để vừa thu hút được đầu tư, vừa tăng cường được vai trò quản lý nhà nước trong việc để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kinh doanh thuận lợi.

BÀI 12: PHÁT TRIỂN KINH TẾ BIỂN 

Bài 1:

Thủ tướng vừa quyết định sửa đổi, bổ sung 4 khu kinh tế ven biển ở Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Trị, Nam Định vào qui hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020.

Cụ thể, các khu kinh tế ven biển sẽ được bổ sung vào quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020 gồm khu kinh tế ven biển Quảng Yên (Quảng Ninh), khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (Quảng Trị), khu kinh tế ven biển Thái Bình (Thái Bình) và khu kinh tế Ninh Cơ (Nam Định).

Trong đó, thời điểm bổ sung khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị (Quảng Trị), khu kinh tế ven biển Thái Bình (Thái Bình) và khu kinh tế Ninh Cơ (Nam Định) vào hệ thống khu kinh tế thực hiện theo văn bản số 663/TTg-KTTH ngày 13/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Thời điểm bổ sung khu kinh tế ven biển Quảng Yên (Quảng Ninh) vào hệ thống khu kinh tế thực hiện theo văn bản số 604/TTg-CN ngày 22/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 24/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kí quyết định thành lập Khu kinh tế ven biển Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh với diện tích 13.303 ha. 

Mục tiêu phát triển chủ yếu của Khu kinh tế ven biển Quảng Yên nhằm khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí trong việc kết nối kinh tế, thương mại, dịch vụ với các khu kinh tế ven biển như: Vân Đồn, Đình Vũ – Cát Hải, Thái Bình.

Theo Thanh Xuân – Tạp chí công thương VN

BÀI 13: KHOA HỌC NÔNG NGHIỆP

Bài 1:

Gạo Việt Nam ngon nhất thế giới

Vượt qua sản phẩm gạo của Thái Lan và Campuchia, gạo của Việt Nam đã được trao giải gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi Gạo ngon nhất thế giới do The Reice Trader tổ chức. Đây là lần đầu tiên sản phẩm gạo Việt Nam đạt giải thưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua, sự kiện nằm trong khuôn khổ hội nghị thương mại gạo thế giới lần thứ 11 đang được tổ chức tại Manila Philippines.

Gạo ST25 của Việt Nam đã được ban tổ chức bình chọn là gạo ngon nhất thế giới năm nay. Được biết gạo ST25 thuộc dòng lúa thơm ST do kĩ sư Hồ Quang Cua tỉnh Sóc Trăng lai tạo và cải tiến trong hơn 20 năm qua. Vào năm 2017, loại gạo này cũng đạt vào top 3 gạo ngon nhất thế giới trong cuộc thi World best rice được tổ chức tại Ma Cao – Trung Quốc, giải thưởng lần này tiếp tục khẳng định và nâng cao thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. 

BÀI 14: MÔI TRƯỜNG VÀ THÀNH THỊ

Bài 1:

Lee: Mai ơi, khi mới đến Hà Nội, anh rất ngạc nhiên vì ở đây không cần phân loại rác. Ở Hàn Quốc, nếu không phân loại rác thì sẽ phải trả thêm tiền. 

Mai:  Đúng rồi, đây là vấn đề rất nghiêm trọng, nếu phân loại rác thì có thể tái chế rác. Hơn nữa, đa số rác ở Việt Nam được xử lí theo kiểu chôn lấp nên gây ra ô nhiễm môi trường.

Lee: Trời ơi, ở đâu anh cũng có thể nhìn thấy mọi người vứt rác bừa bãi, đặc biệt là có rất nhiều túi nilon trên đường.

Mai: Đó là thực trạng đáng buồn ở Việt Nam. Người dân có thói quen dùng túi nilon vì rất tiện lợi. Túi nilon được sản xuất bao nhiêu sẽ thải ra môi trường bấy nhiêu.

Lee: Ôi! Anh lo lắng quá, ô nhiễm bụi ở mức nguy hiểm, nước có mùi khó chịu, thực phẩm có nhiều hoá chất độc hại, và cả vấn đề rác nữa…

Mai: Rác nhiều đến mức Việt Nam bị đánh giá là 1 trong 5 nước thải rác nhựa ra biển nhiều nhất. 

Lee: Việt Nam có rừng vàng biển bạc, có nhiều tài nguyên quý. Mọi người nên có ý thức hơn để bảo vệ môi trường. Vì phá huỷ môi trường là phá huỷ cuộc sống của chúng ta.

Bài 2:

Hà Nội sắp hết chỗ để đổ rác

Theo báo cáo, hai bãi  rác lớn nhất thành phố dự báo đến cuối năm 2020 sẽ hết chỗ, Hà Nội phải nhanh chóng có kế hoạch thay thế để giải quyết số rác thải sinh hoạt khổng lồ phát sinh hằng ngày.

Trung bình mỗi ngày thành phố phát sinh khoảng 6.500 tấn rác sinh hoạt. Hai bãi rác lớn nhất là bãi Nam Sơn và bãi Xuân Sơn tiếp nhận khoảng 90% lượng rác này, số còn lại được xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện.

Hai bãi rác đang phải hoạt động hết công suất và nếu không có giải pháp công nghệ thay thế thì sẽ phải đóng cửa vào cuối năm 2020. 

Giá dịch vụ vệ sinh môi trường (VSMT) khu vực nông thôn là 3.000đ/người, ở thành phố là 6.000đ/người, thấp và chưa đủ chi phí  trả cho việc duy trì VSMT.

Rác thải  sinh hoạt hiện nay được giải quyết chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp (chiếm khoảng 89%), xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện chiếm khoảng 11% . 

Chôn lấp rác thải quá tốn kém và gây ra hậu quả xấu cho nguồn nước và môi trường xung quanh về lâu dài. Chúng ta phải có công nghệ xử lý rác thải hiện đại, mà quan trọng nhất là tái chế. Nhưng đầu tiên, mỗi người cần phải thay đổi ý thức về việc phân loại rác. Người Việt chưa có thói quen phân loại rác. Rác các loại chỉ cần cho vào túi vứt đi là xong. Ai dọn? ai chuyển? xử lý như thế nào? không cần biết. Đó là lí do chúng ta vẫn chỉ biết mang rác đi chôn lấp. Hậu quả, chúng ta đã và đang phải trả giá cho tất cả những thói quen hàng ngày của mình.

Đã đến lúc phải nghiêm túc với thói quen phân loại rác và hạn chế lượng rác thải. Nếu không thì sẽ không có ngân sách nào đáp ứng nổi và không có khu đất nào có thể xử lý hết được rác thải, và khi ấy người Việt sẽ ngập trong rác, ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước, bệnh tật phát sinh… 

BÀI 15: ÔN TẬP 3

Bài 1:

Nghị quyết số 01 của Chính phủ nêu lên những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.

Mục tiêu của Chính phủ trong năm 2014 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát , tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan điều hành chủ động, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý; bảo đảm thanh khoản của các tổ chức tín dụng và của nền kinh tế.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý nợ công, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro; kiểm soát chặt chẽ việc cấp bảo lãnh Chính phủ, tăng cường cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các khoản vay nước ngoài của Chính phủ về cho vay lại… bảo đảm kiểm soát mức dư nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn an toàn.

Tập trung triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về điều hành ngân sách nhà nước, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu, chi theo dự toán đã được Quốc hội quyết định. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính. Không ban hành, điều chỉnh chính sách làm giảm thu và tăng chi ngân sách nhà nước ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước và an ninh tài chính quốc gia. Điều hành bội chi ngân sách nhà nước theo kế hoạch.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *