Menu Close

Phụ lục Nghe_SBT Bậc 2 (SBT A2)

BÀI 1: GIAO THÔNG

Bài 1:
  1. Chuyến tàu E1 khởi hành từ ga Hà Nội lúc 7:00 đến ga Lào Cai lúc 9:00.
  2. Chuyến bay đến Mỹ mất 14 tiếng. Lúc 6:00 tối, máy bay chuyển chuyến ở Hàn Quốc. Dự kiến 4 giờ ngày 4 tháng 9 đến New York.
  3. Từ hồ Hoàn Kiếm đi tham quan khu phố cổ mất hai tiếng. Xuất phát ở Bưu điện trung tâm và kết thúc ở phố Hàng Lược lúc 4 giờ chiều. Cứ hai tiếng là có một chuyến.
Bài 2:
  1. Linh    : Chào anh, anh đi đâu thế ạ?

Tuấn       : À, anh đi làm. Hôm nay anh có một cuộc họp rất quan trọng ở công ty lúc 9 giờ.

Linh        : Trời ơi, bây giờ sắp 9 giờ rồi. Anh đã gọi taxi chưa?

Tuấn       : Anh gọi rồi nhưng đang là giờ cao điểm nên không có xe. Anh định đi xe ôm.

Linh        : Anh đi xe máy với em không? Sáng nay em cũng có việc gần công ty anh.

Tuấn       : May quá. Vậy thì anh đi nhờ nhé. Cảm ơn em nhiều.

Linh        : Không có gì ạ.

 

  1. Thảo   : Ôi! Yến Vy phải không? Lâu lắm rồi không gặp bạn. Bạn đang đợi xe buýt à?

Yến Vy   : A, chào Thảo. Bất ngờ quá. Mình không chờ xe buýt mà đang đợi em gái mình. Mình định đến siêu thị Big C ở gần đây mua đồ. Còn cậu?

Thảo       : À. Mình vừa tan học nên bây giờ sẽ về nhà. Cậu có muốn đi xe đạp chung với mình không?

Yến Vy   : Thôi, lần khác nhé. Em gái mình cũng sắp đến rồi.

Thảo       : Ừ, vậy mình đi trước nhé. Hẹn gặp lại cậu sau.

Bài 3:

Giờ đây, mọi người cần có những hành động đối với vấn đề giao thông. Giao thông dạo gần đây rất kinh khủng. Nó càng ngày càng tồi tệ hơn. Cả ngày lẫn đêm đều có rất nhiều ô tô trên đường. Đó là ác mộng ở thành phố. Bạn bật radio lên nghe và sẽ thấy rất nhiều thông tin về tắc đường. Trước đây, tắc đường chỉ xảy ra vào giờ cao điểm nhưng bây giờ có cả ở giờ hành chính. Chỉ đi quãng đường ngắn thôi nhưng bạn mất cả tiếng đồng hồ. Chúng ta cần có giải pháp đúng đắn cho giao thông ở thành phố. Mọi người cần có ý thức tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng. Như vậy, chúng ta có thể giảm cả tắc đường và lượng khí thải từ phương tiện giao thông.

 

BÀI 2: CHỈ ĐƯỜNG

Bài 1:
Ngã tư Đèn đỏ Rẽ trái
Rẽ phải Đứng lại Vòng xuyến
Dừng lại Biển báo Đi thẳng

 

BÀI 3: MUA SẮM

Bài 1:
Quả quýt Kỷ niệm
Kỷ luật Kiên quyết
Con cá Ăn kem
Quyên góp Cái bàn
Bài 2:

A: Em chào anh, em muốn mua áo len.

B: Chào em, em muốn mua áo len như thế nào? Có cúc, không cúc hay có khóa?

A: Em muốn áo len có cúc.

B: Đây, em xem chiếc áo này đi. Anh nghĩ nó hợp với em đấy.

A: Có vẻ như cái áo này hơi to. Anh có cỡ nhỏ hơn không?

B: Cỡ nhỏ hơn thì hết màu xanh rồi. Chỉ còn màu vàng thôi.

A: Thế cũng được. Em muốn thử màu vàng.

B: Đây em. Phòng thử đồ ở đằng kia.

A: Cho em lấy cái áo này nhé. Em mua tặng cho bạn, chắc là bạn em sẽ vừa.

B: Ừ. Nếu bạn ấy mặc không vừa thì có thể mang đổi trong vòng ba ngày. Em nhớ giữ hóa đơn nhé.

A: Vâng, em cảm ơn anh ạ. 

 

Bài 3:

A: Xin lỗi, em có thể giúp gì cho chị ạ? 

B: Hôm qua chị đã mua một cái áo ở cửa hàng của em cho con trai. Nhưng khi về nhà, con trai chị mặc thử thì chật quá. Nên hôm nay chị muốn đổi loại khác được không?

A: Vâng.

B: Con chị không thích áo có mũ. Em cho chị xem cái kia được không?

A: Vâng ạ. Con chị thường mặc cỡ bao nhiêu ạ?

B: Cỡ M em nhé. 

A: Vâng, em lấy ngay đây ạ.

 

BÀI 4: ĂN UỐNG

Bài 1:

A: Anh muốn gọi đồ chưa ạ?

B: Rồi, cửa hàng mình có món gì đặc biệt không?

A: Dạ, cửa hàng em có món nem rán, bún chả truyền thống rất ngon. Anh có muốn ăn thử không ạ?

B: Ừ, vậy cho anh một đĩa nem rán. À cho anh thêm cả một đĩa bánh xèo nữa

A: Anh có muốn dùng thêm rau không ạ?

B: Cũng được, em có rau muống xào không?

A: Em hết rau muống rồi? Anh ăn rau cải xào được không anh?

B: Vậy thôi. Anh không thích ăn rau lắm.

A: Vâng. Thế anh uống gì ạ? Nhà hàng em có rất nhiều loại nước ngọt. 

B: Không, cho anh một chai bia Hà Nội thôi. 

A: Vâng, anh đợi em một chút ạ. Đồ ăn sẽ lên ngay ạ.

 

Bài 2: 

A: Mọi người ơi, đã ai ăn thử ở cửa hàng “Món Việt” trên đường Hoàng Đạo Thúy chưa?

B: Mình ăn rồi. Thỉnh thoảng gia đình mình đến đó ăn vào cuối tuần. À mà tuần trước mình cũng vừa đến đó ăn đấy. 

A: Món ăn ở đấy có ngon không ?

B: Ngon. Nó rất hợp khẩu vị của mình. Tuần trước mình đã ăn bánh xèo và  ăn bún bò Huế ở đó. Nước dùng rất ngon, vừa cay vừa thơm.

A: Ôi mình cũng rất thích bún bò Huế. Mình sẽ ăn thử nhé.

B: À nhưng sa lát hôm đó không ngon. Mặc dù rau rất tươi nhưng sốt hơi chua nên mình không thể ăn hết. 

A: Còn đồ tráng miệng thì thế nào ? Mình nghe nói ở đấy có rất nhiều hoa quả và chè.

B: Không đặc biệt lắm. Mình đang ăn kiêng nên không thích chè ở đó. Nó quá ngọt. 

 

Bài 3:

A: Minh ơi, giúp mẹ dọn cơm nào.

B: Vâng ạ. Mẹ cần con chuẩn bị gì ạ?

A: Lấy cho mẹ 6 cái bát, 6 đôi đũa và 2 cái thìa nhỏ.

B: Vậy có cần lấy thêm đĩa không mẹ?

A: Không con ạ. Mẹ có rồi. Nhưng nhớ lấy cho mẹ 6 cái dĩa để ăn bít tết nhé. 

B: A mẹ làm bít tết, ngon quá. Vậy con sẽ lấy thêm cả cốc để uống nước ngọt nữa.

A: Được rồi. Nhanh lên nào. Bít tết sắp nguội rồi này. Con gọi ông bà và bố vào ăn nhé. 

B: Vâng ạ!

 

BÀI 5: ÔN TẬP 1

Bài 1: 
Xe đạp Đi dọc theo
Đi qua Thực đơn
Ngã tư Xe máy
Xe ôm Áo sơ mi
Áo khoác Hương vị
Bài 2:
  1. xích lô
  2. đường hầm
  3. cay
  4. khăn quàng
  5. bát
  6. xe buýt
  7. tàu hỏa
  8. tất
  9. thuyền
  10. biển báo
  11.  dao
  12. vỉa hè

 

Bài 3:

Ẩm thực Việt Nam có những đặc điểm khác nhau từ miền này qua miền khác, tạo nên nét đặc trưng của từng vùng miền, ví dụ như món ăn ở miền Trung thường có vị cay. Nhìn chung thì thức ăn chính là cơm và các loại canh, các món thịt hoặc cá kho hoặc các món chiên. Khi ngồi ăn chung, mỗi người dùng chén (hay bát), đũa riêng của mình dù họ có thể dùng chung một món ăn. Trẻ nhỏ thì dùng thìa thay cho đũa khi ăn. Ở một số nhà hàng hoặc trong một số bữa tiệc, người ta còn dùng dao và dĩa theo cách ăn của người phương Tây. Có một điểm đặc biệt là bữa cơm Việt thường hay có nước mắm. Đây là một trong những loại gia vị không thể thiếu, để giúp các món ăn trở nên đậm đà hơn. Bên cạnh đó, canh cũng là một loại món ăn phổ biến trên mâm cơm của người Việt. Canh thường được nấu từ các loại rau và các loại gia vị hoặc một chút thịt. Canh cũng có khi chỉ là nước sau khi luộc rau chín. Nếu không có canh thì mâm cơm sẽ không đầy đủ và tròn vị. 

 

BÀI 6: TRƯỜNG HỌC

Bài 1:
  1. Vì lười học và làm bài tập nên Lan bị cô giáo phê bình.
  2. Vì đứng đầu lớp học kì này nên em ấy được tất cả các bạn chúc mừng.
  3. Vì đau đầu nên hôm nay cô giáo không thể đến trường.
  4. Vì không có sách toán nên chúng tôi đã đến hiệu sách để mua.
  5. Dạo này đang là kỳ nghỉ hè nên thư viện có rất ít học sinh.
Bài 2:

Mình vẫn còn nhớ lần mình đi thi tốt nghiệp cấp hai năm ngoái. Lúc đó là vào tháng 5, trời bắt đầu nắng và nóng. Buổi sáng, mình phải thi Toán, chiều thì thi văn. Buổi sáng, mình làm bài khá tốt nên rất tự tin và thoải mái. Sau khi thi xong, bố đèo mình về nhà luôn để ăn trưa và nghỉ ngơi một chút. Đến buổi chiều, khi mình chuẩn bị đi thì chị gái ở bên Úc gọi điện về hỏi thăm tình hình mình thi thế nào. Chị chúc mình thi tốt và hứa sẽ tặng một món quà thật to nếu mình được điểm cao. Lúc đó mình vui lắm, vừa nghe điện thoại vừa lên xe để bố đèo đến trường thi. Nhưng khi đến nơi, mình nhận ra là mình đã quên thẻ dự thi ở nhà. Mình đã rất lo lắng và khóc rất nhiều vì sắp đến giờ thi rồi. Bố phải quay về nhà để lấy thẻ dự thi cho mình. May mắn là khi cổng trường đang đóng lại, bố cũng đến kịp. Từ đó, mình luôn luôn kiểm tra thật kỹ các thứ trước khi đi thi.

 

BÀI 7: GIA ĐÌNH

Bài 1: 
thuê nhà giữ gìn truyền thống
hòa thuận quê hương
nguồn cội thế hệ
đùm bọc con cháu
ăn cỗ
Bài 2: 
  1. Hôm nay là ngày giỗ cụ nội. Cả nhà Mai đang thắp hương và làm giỗ cụ.
  2. Từ khi vào đại học, mình phải sống xa gia đình. Bây giờ, mình đang sống một mình ở trên thành phố.
  3. Mỗi khi buồn vì nhớ gia đình, bố mẹ thì mình lại rủ bạn bè đi chơi. Bạn bè đã giúp mình vui vẻ hơn. Họ đều là những người bạn thân nhất của mình.
  4. Cả nhà Lan lúc nào cũng hạnh phúc, quây quần bên nhau, không thiếu ai.
  5. Lớp học này giống như ngôi nhà thứ hai của mình. Các bạn trong lớp giống như anh chị em trong nhà, ai cũng đoàn kết và luôn giúp đỡ nhau.
  6. Nhà bạn ấy vui nhất là vào dịp Tết vì luôn đông đủ mọi người. Vì thế, Tết Nguyên đán cũng được gọi là Tết đoàn viên. 
Bài 3:

a. Nếu trời đẹp thì cuối tuần thì gia đình bạn sẽ làm gì?

b. Nếu Long nhận được học bổng của trường thì sao?

c. Khi học kì này kết thúc thì học sinh sẽ làm gì?

d. Khi mẹ vắng nhà thì chuyện gì xảy ra?

e. Khi nào thì bố mẹ chuẩn bị rất nhiều hành lý cho con cái?

g. Cả nhà sắp được gặp nhau chưa?

 

BÀI 8: GIẢI TRÍ

Bài 1:

1.

Linh, em có muốn đi ăn tối với anh vào thứ năm không?

Thứ năm à? Em rất thích nhưng em có hẹn với bạn em rồi.

Ồ vậy à, vậy để lần khác nhé.

2.

Hương, cô có thích đi xem phim vào thứ bảy tuần này không?

Nghe hay đấy. Mấy giờ thế?

Lúc 9.30.

Được đấy.

3.

Này Ngân, thứ hai tuần này chúng ta đi cà phê sau khi học xong nhé.

Ôi xin lỗi, lúc ấy tôi có cuộc hẹn rồi.

4.

Đức ơi, anh có muốn đến nhà em ăn tối vào thứ tư không?

Cảm ơn em, anh rất thích. Mấy giờ thế?

Khoảng 6.30.

Ok, hẹn gặp lại.

5.

Ê, An ơi. Chiều chủ nhật đi chơi tennis đi.

Chủ nhật à, không được rồi. Tôi phải đi làm vào chiều chủ nhật. Để lần khác đi.

Ok.

6.

Này Việt, em sẽ đi shopping vào tối thứ sáu. Em muốn có một cái váy mới. Anh đi với em không?

Tối thứ sáu à? OK, anh không làm gì lúc đó.

Được. Vậy đi sau khi làm việc xong nhé.

 

BÀI 9: DU LỊCH

Bài 1:
  1. Phố cổ Hội An
  2. Hồ Gươm
  3. Cố đô Huế
  4. Lăng Bác
  5. Hang Sơn Đoòng
  6. Chợ nổi Cái Răng
  7. Chợ Bến Thành
  8. Vịnh Hạ Long
  9. Núi Langbiang

 

Bài 3:

CHÙA MỘT CỘT

Đến Hà Nội, bạn nên đến thăm chùa Một Cột, một công trình kiến trúc độc đáo. Chùa ở ngay cạnh Bảo tàng Hồ Chí Minh. Được xây dựng từ năm 1049, chùa có tên là Diên Hựu. Toàn bộ ngôi chùa hình vuông, mỗi chiều rộng 3m, đặt trên một cột đá lớn, đường kính 1,25m cắm xuống một hồ nước nhỏ. Vì thế mà nhân dân quen gọi là chùa Một Cột. Kiến trúc của chùa gợi hình một bông hoa sen mọc lên từ nước. Cột đá tượng trưng cho cuống hoa, từ cột đá có các thanh gỗ vươn ra bốn phía đỡ lấy ngôi chùa, tạo hình ảnh những đường lượn của cánh sen. Cùng với hồ nước hình vuông ở phía dưới, ngôi chùa như một khát vọng vươn lên cái cao cả. Chùa được đặt trong một cảnh quan rất đẹp: có hồ nước, có cây xanh tạo nên sự gần gũi, yên tĩnh.Vào chùa, ta như rũ sạch mọi buồn phiền, chỉ còn lại sự thanh cao của tâm hồn.

 

BÀI 10: ÔN TẬP 2

Bài 1:
mái nhà nhà máy tài năng bắt tay
quả táo tàu thủy châu báu thông báo
sức khỏe chìa khóa hoa huệ trí tuệ
sừng hươu quả lựu chai rượu thành tựu
ngôn ngữ mộc nhĩ mĩ nhân náo nhiệt

 

Bài 2:

Hùng  : Chiều nay các bạn có đi đâu không?

Nam    : Có. Mình sẽ đi tham quan bảo tàng lịch sử. Hà sẽ đến thăm Linh ở bệnh viện. Thu sẽ đi làng gốm Bát Tràng với câu lạc bộ nhiếp ảnh. Còn Thủy sẽ đi tập yoga với bạn cùng lớp của cô ấy.

Hùng  : Vui quá. Chiều nay mình ở nhà nhưng ngày mai mình sẽ đi Vịnh Hạ Long.

Nam    : Cậu sẽ đi với ai?

Hùng  : Tớ đi một mình.

Nam    : Nếu đi Hạ Long thì cậu nên đăng ký với Công ty du lịch và đi theo tua. Như vậy sẽ rẻ hơn và cậu sẽ gặp được nhiều người, vui hơn.

Hùng : Ồ, thế à? Tớ sẽ tìm hiểu thử xem. Cảm ơn cậu nhé.

 

BÀI 11: SỨC KHỎE

Bài 1:
Đau mắt Sổ mũi Kim tiêm
Bác sĩ Cảm Sốt
Khám bệnh Điều trị Thuốc
Bài 2:

Bốn nguyên tắc giữ sức khỏe mùa thi

Gần tới ngày thi do căng thẳng, thức khuya kéo dài, ăn uống không đầy đủ… học sinh bị giảm sức đề kháng nên dễ mắc cảm cúm, đau bụng, tiêu chảy… Chính vì vậy, học sinh phải thực hiện một số nguyên tắc sau:

Một là phải ăn đúng giờ: Không ăn tùy tiện sớm muộn thất thường. Không ăn vội vàng, không vừa ăn vừa học, vừa ăn vừa xem tivi. Mỗi ngày cần ăn khoảng 150 – 200g thịt hoặc cá, tôm. Ăn thêm trứng, uống thêm 2 cốc sữa/ngày vào buổi sáng và tối. Cần lưu ý bữa ăn sáng rất quan trọng nên phải ăn và ăn tốt, không được bỏ bữa với bất kỳ lý do gì. 

Hai là uống đủ nước: Bình thường, đối cơ thể mỗi ngày cần uống đủ 1,5 – 2 lít nước. Cần uống thêm các nước hoa quả như: Nước chanh, cam, sinh tố dưa hấu, xoài,… để cung cấp thêm vitamin.

Ba là nghỉ ngơi hợp lý: Ngoài việc bảo đảm ăn ngủ tốt các em còn phải có kế hoạch học và nghỉ ngơi hợp lý để thư giãn đầu óc như nghe nhạc, xem tivi. Cần ngủ trưa 30 phút đến một tiếng. Ngủ đêm tối thiểu 6 giờ. Nên ngủ sớm dậy sớm theo chu kỳ sinh học (không nên ngày ngủ đêm học).

Bốn là vệ sinh thân thể: Không nên vì quá bận ôn thi mà các em không tắm rửa và giặt giũ quần áo hằng ngày. Nhất là về mùa hè oi bức mồ hôi ra nhiều làm cơ thể ngứa ngáy khó chịu, chán ăn, khó ngủ… Tắm rửa sẽ còn có tác dụng kích thích thần kinh làm cho tỉnh táo, thoải mái, học sẽ hiệu quả hơn. 

 

BÀI 12: THỂ THAO

Bài 1:
Thắng Nhảy cao Bóng bàn
Chạy Hòa Bơi
Bóng đá Cầu lông Đua xe đạp
Bài 2:

Giáo viên: Sau đây xin mời lớp trưởng đọc lại bản đăng ký tham gia Hội thao cấp trường của lớp chúng ta nhé!

Lớp trưởng: Vâng, thưa cô và các bạn, mình đã tổng kết đăng ký của lớp mình như sau. Lớp chúng ta sẽ tham gia ba môn thi đấu tập thể, đó là kéo co, bóng đá và nhảy bao bố. Môn kéo co có 12 bạn đăng ký. Các bạn nhớ thời gian thi của lớp mình là lúc 10 giờ 30 ở sân trường nhé. Còn môn bóng đá thì tất cả các bạn nam đều tham gia, số lượng là 11 bạn. Lớp mình sẽ đá với lớp 7A ở sân bóng phía sau trường, lúc 8 giờ 15 sáng mai. Cuối cùng là nhảy bao bố. Môn này sẽ thi theo cặp, đã có tất cả 8 cặp đăng ký thi. Các bạn nhớ địa điểm thi nhảy bao bố là ở nhà đa năng, lúc 9 giờ 45 phút nhé.

 

Bài 3:

Mai: Linh ơi, hôm nay em thức dậy lúc mấy giờ?

Linh: Dạ, 10 giờ chị ạ. Còn chị?

Mai: Ôi, muộn thế? Chị dậy từ 6 giờ sáng.

Linh: Chị dậy sớm thế để làm gì ạ? Hôm nay là cuối tuần mà.

Mai: Chị quen rồi. Ngày nào chị cũng dậy sớm để tập thể dục.

Linh: Còn em thì không có thói quen dậy sớm, cũng không thích tập thể dục. Em hay thức dậy muộn vì tối hôm trước đọc sách đến khuya quá.

Mai: Chị thấy như thế không tốt đâu! Thế nào sức khỏe của em cũng bị ảnh hưởng.

Linh: Vậy ạ? Em cũng muốn thay đổi lắm. Ước gì ngày nào em cũng có thể đi ngủ sớm và không thức khuya nữa.

Mai: Thế thì đừng đọc sách muộn nữa. Chị nghĩ là em nên tập thói quen ăn uống và ngủ nghỉ cho khoa học đi. Sức khỏe rất quan trọng.

Linh: Vâng ạ. Em sẽ nghe lời chị.

 

BÀI 13: THỜI TIẾT

Bài 1:
  1. trời có nắng nhẹ, vài nơi có mây
  2. trong đêm và sáng mai, có thể có bão to. Mọi người chú ý đề phòng chống bão.
  3. Vào những ngày cuối đông, tại SaPa diễn ra tình trạng sương mù dày đặc, diện tích bao phủ rộng nhiều nơi.
  4. Ngày mai trời đẹp lắm các cậu ạ, không nắng không mưa, thời tiết rất mát mẻ. Chúng ta đi dã ngoại đi.
  5. Hôm nay dự báo có mưa to đấy, con nhớ mang theo áo mưa nhé.

 

Bài 2:

Dự báo thời tiết hôm nay 18.12.2020, theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn quốc gia và Đài Khí tượng Thủy văn Trung ương.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh nên ngày và đêm nay ở Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa nhỏ rải rác; các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ trời tiếp tục rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất 10 – 13oC.

Ở vịnh Bắc Bộ gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh; vùng biển ngoài khơi Trung Bộ, vùng biển phía Bắc của khu vực giữa Biển Đông và vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm cả vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7 – 8; biển động; sóng biển cao từ 2 – 4 m. Khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) gió đông bắc mạnh cấp 6 – 7, giật cấp 9; biển động mạnh; sóng biển cao từ 3 – 5 m.

Khu vực Hà Nội ngày và đêm nay có mưa nhỏ rải rác; trời rét đậm, rét hại với nhiệt độ thấp nhất phổ biến 10 – 12oC.

 

BÀI 14: DỊCH VỤ

Bài 1:
Khách sạn Ngân hàng Chăm sóc khách hàng
Chuyển phát nhanh Gửi thư Sân bay
Rút tiền Bưu điện Đặt vé
Bài 2:

Nhân viên: Alo, công ty du lịch Hapro xin nghe. 

Khách: Xin chào, tôi tên là Peter. Tôi muốn đặt tour tham quan Hà Nội

Nhân viên: Anh muốn đi vào ngày nào và bao nhiêu người?

Khách: Tôi muốn đi vào cuối tuần sau. Có 2 người

Nhân viên: Dạ, hiện nay bên em có 2 tour tham quan ở Hà Nội. Một tour bao gồm các địa điểm trong nội thành Hà Nội và một tua thì có thêm cả lịch trình tham quan phố cổ nữa

Khách: Cho tôi biết chi phí và lịch trình của cả 2 tour nhé.

Nhân viên: Vâng, tour 1 thì sẽ tham quan các địa điểm nổi tiếng như Lăng Bác, Văn Miếu quốc tử giám, nhà tù Hỏa Lò và Hoàng Thành Thăng Long. Tour này có giá là 570 nghìn. Tour thứ 2 thì có thêm lịch trình đi tham quan 36 phố phường bằng xe điện. Tour này có giá là 800 nghìn ạ.

Khách: Thời gian như thế nào?

Nhân viên: Xe sẽ đón khách từ lúc 9h sáng tại khách sạn. Tour đã bao gồm hướng dẫn viên nên anh cứ yên tâm nhé.

Khách: Thế thì cho tôi đặt tour 2 đi.

Nhân viên: Dạ vâng, cảm ơn anh. 

 

Bài 3:

Nhân viên: Xin chào, tôi có thể giúp gì cho anh?

Khách: Chào cô, tôi muốn gửi thư đi Úc.

Nhân viên: Trước tiên, anh hãy điền thông tin vào phiếu gửi hàng này nhé

Khách: Vâng, cho tôi mượn cái bút 

Nhân viên: Anh đưa thư cho tôi nhé. Anh muốn chuyển phát thường hay chuyển phát nhanh?

Khách: Chuyển phát thường bao lâu và nhanh thì là bao lâu? Chi phí thế nào?

Nhân viên: Chuyển phát thường thì mất 10-15 ngày, còn nhanh thì khoảng 3-4 ngày thôi. Chuyển thường thì hết 95 nghìn, chuyển nhanh thì hết 150 nghìn. Anh muốn chọn loại nào?

Khách: Chuyển phát nhanh đắt quá. Chị cho tôi chuyển phát thường nhé. 

Nhân viên: Vâng, anh hãy thanh toán tiền và kí tên vào đây.

 

VIẾT

Bài 8:

Mua vé xổ số

Cô bán vé: “Anh ơi, mua mấy vé xổ số nhé! Bảo đảm là sẽ trúng lớn ngay”.

Người mua: “Tôi mua rồi!”

Cô bán vé: “Mua thêm vé nữa, mua nhiều trúng nhiều”.

Người mua: “Nếu không trúng thì sao?”

Cô bán vé: “Thì anh nhớ đến gặp em!”

Người mua: “Tìm em để làm gì?”

Cô bán vé: “Mua thêm vài vé nữa!”

 

 

BÀI 15: ÔN TẬP 3

Bài 1:
  1. nhanh nhẹn – sạch sẽ – hoành tráng – quy hoạch
  2. cuối cùng – chúc mừng – lấy chồng – tốc độ
  3. mặt trăng – chắc chắn – tấm lòng – học tập
  4. khán giả – khát nước – tham lam – tòa tháp
Bài 2:

Mỗi một quốc gia đều có trang phục truyền thống và đối với Việt Nam, trang phục truyền thống đó là chiếc áo dài.

Áo dài xuất hiện vào thời Nguyễn khi có những cải cách về trang phục. Sau này, theo xu hướng, có nhiều lần cải cách diễn ra để được chiếc áo dài như ngày hôm nay.

Chiếc áo dài truyền thống là sự kết hợp hoàn hảo giữa hai luồng văn hóa Đông – Tây. Cổ áo cổ điển cao khoảng 4 đến 5cm. Ngày nay, nhiều nhà thiết kế đã thiết kế nhiều kiểu cổ áo đẹp và đa dạng, trên cổ áo còn có thể được đính ngọc, đính cườm. Thân áo là phần từ cổ xuống phần eo. Cúc áo dài thường từ cổ chéo sang vai rồi kéo xuống ngang hông.

Ngày nay, để cho tiện lợi, nhiều chiếc áo dài được thiết kế có khóa ở dọc phần hông hoặc phần sau lưng. Áo dài có hai tà: tà trước và tà sau cách tân từ chiếc áo tứ thân ngày trước. Trên tà áo trước thường được thêu những hoa văn hay những bài thơ. Tay áo thuôn dài từ vai xuống cánh tay rồi đến cổ tay, ôm sát nách.

Chiếc áo dài được mặc với quần lụa. Quần dài được may với ống quần rộng, dài chấm gót chân. Màu sắc thông dụng nhất là màu trắng hoặc đen. Nhưng xu thế thời trang hiện nay thì chiếc quần của áo dài có tông màu hợp với màu của áo. Thời trang càng phát triển, chiếc áo dài càng được cách tân với nhiều kiểu dáng mới mẻ, màu sắc thanh lịch khác nhau nhưng luôn giữ được nét đẹp truyền thống vốn có của nó đó là tôn lên vẻ đẹp hình thể cho người mặc. Đặc biệt, áo dài không phải là trang phục dành riêng cho nữ mà có cả áo dài nam cũng có kiểu dáng gần giống.

 

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *